Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần sớm ban hành luật về hoạt động xuất, nhập cảnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các cơ quan hữu quan đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Thực hiện kế hoạch khảo sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam,” sáng 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức cuộc họp để nghe các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa chủ trì cuộc họp.

Lượng khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tăng trung bình 20-30%/năm

Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/8/2000 là văn bản pháp lý cao nhất quy định về lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài. Ngay sau khi Pháp lệnh được ban hành, các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh và Nghị định.

 
Cần sớm ban hành luật về hoạt động xuất, nhập cảnh - Ảnh 1
 
Kiểm tra giấy phép xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu Bắc Luân, Móng Cái, Quảng Ninh. (Ảnh: Kim Phương/TTXVN)
 

Tính từ khi ban hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 đến nay, lượng khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam ngày càng tăng, trung bình hàng năm tăng từ 20-30%.

Tính đến nay có 22.791.327 lượt người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tăng trung bình là 18,57%/năm và đa dạng về quốc tịch; có 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore, được đầu tư tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Số người nước ngoài nhập cảnh năm 2012 tăng hơn 6 lần so với số người nhập cảnh năm 2000.

Theo đánh giá của các bộ, ngành liên quan, Pháp lệnh đã góp phần phục vụ đắc lực cho đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Các quy định thông thoáng của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, như đối tượng, điều kiện, thủ tục hành chính được cải tiến, đơn giản hóa, đã tháo gỡ những ách tắc, là yếu tố quan trọng thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh.

Bộc lộ những vướng mắc

Tại cuộc họp, các cơ quan hữu quan đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Các đại biểu nhận định, văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động của người nước ngoài còn chưa thống nhất, đồng bộ, tính ổn định chưa cao, chưa sát với thực tế, nên phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế.

Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tham gia hoạt động quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài nên có nơi, có lúc, công tác quản lý bị chồng chéo hoặc bỏ mặc; chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài, dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho khách nhập cảnh nhưng không quản lý...

Một điểm được nhiều bộ, ngành cùng chung đánh giá là phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh còn thiếu, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Việc trao đổi thông tin về xuất nhập cảnh giữa các cơ quan chưa kịp thời, đặc biệt là việc trao đổi thông tin giữa các cửa khẩu do biên phòng quản lý…

Theo đánh giá của Bộ Công an, việc cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích tạm trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người nước ngoài, dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam nhưng không quản lý, người nước ngoài có thể vào làm việc với cơ quan mời trong thời gian ngắn sau đó tìm kiếm việc làm ở cơ quan, tổ chức khác, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Một số doanh nghiệp sử dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài không làm việc tại doanh nghiệp.

Tại một số địa phương có lao động nước ngoài làm việc đã xuất hiện “doanh nghiệp ma” được thành lập dưới danh nghĩa công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, chỉ với mục đích làm dịch vụ kiếm lời từ xin thị thực dài hạn, thẻ tạm trú cho người nước ngoài, sau khi làm xong thủ tục cấp thị thực dài hạn, thẻ tạm trú cho người nước ngoài thì giải tán doanh nghiệp…

Bộ Công an cho biết, các vi phạm pháp luật của người nước ngoài trong lĩnh vực xuất nhập cảnh chủ yếu là nhập cảnh trái phép, không khai báo tạm trú, đi lại không mang theo hộ chiếu, thị thực, hoạt động trái mục đích nhập cảnh, nhiều trường hợp cư trú trái phép đối phó bằng cách vứt hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, khi bị phát hiện thì “chây ỳ” không hợp tác… Từ năm 2000 đến nay, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện, xử lý 74.441 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Bộ Quốc phòng nêu thực trạng: Quy định của pháp luật về thời hạn tạm giữ người nước ngoài có vi phạm ngắn, trong khi đó nhiều đồn biên phòng cửa khẩu ở cách xa trụ sở của các cơ quan chức năng huyện, tỉnh; không có nơi tạm giữ hành chính, nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý, giải quyết vụ việc...

Đề nghị sớm ban hành luật về nhập cảnh, xuất cảnh

Nêu lên đề xuất tại cuộc họp, nhiều bộ đề nghị Quốc hội ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở kế thừa những vấn đề Pháp lệnh đang phát huy tốt, tiếp thu, bổ sung đầy đủ những vấn đề thực tế đang đòi hỏi.

Bộ Công an cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật cần quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, nghĩa vụ cơ bản của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về đối tượng, điều kiện người nước ngoài được giải quyết thường trú tại Việt Nam; quy định người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh.

Bộ Quốc phòng đề nghị nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong công tác đăng ký, kiểm tra và cấp giấy phép lao động, hành nghề cho người nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, tránh những trường hợp lợi dụng để vi phạm pháp luật. Quy định chặt chẽ trong việc xét duyệt cấp giấy tờ, thị thực Việt Nam cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là những người vào du lịch theo quy chế của Chính phủ, hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, nhằm ngăn chặn hoạt động sai mục đích nhập cảnh, các trường hợp lừa đảo gây tổn thất cho kinh tế Việt Nam…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị người nước ngoài xin nhập cảnh du lịch theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế Việt Nam.

Theo Bộ, đây là biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường thu hút khách du lịch. Thị thực Việt Nam có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nên theo xu hướng thị thực nhiều lần, có giá trị sử dụng nhiều lần trong thời hạn không quá 12 tháng…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết các ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp đã cung cấp thêm thông tin để Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trong thời gian tới. Theo Chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ thứ 6 Quốc hội khóa XIII tới đây.