Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cận Tết, giá lợn hơi vẫn chạm đáy

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày hôm qua (20/1) đã là Tết ông Công, ông Táo nhưng giá lợn hơi xuất chuồng vẫn chưa có dấu hiệu “ấm lên” sau một thời gian dài rớt giá.

Thua lỗ nặng
Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai ngậm ngùi cho biết, mặc dù anh chủ yếu nuôi lợn siêu nạc nhưng giá xuất chuồng cũng chỉ được 30.000 – 32.000 đồng/kg, còn lại lợn bình thường ở mức 25.000 – 27.000 đồng/kg. Hiện trang trại của anh Lâm có gần 400 con lợn thịt đến ngày xuất bán. “Đây là mức giá thấp nhất kể từ khi tôi bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn vào năm 2006 đến nay” – anh Lâm chia sẻ.

Mua bán thịt lợn tại chợ Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.           Ảnh: Chiến Công

Nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện khác như Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Sóc Sơn… cũng gần như mất Tết khi giá lợn xuống thấp. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, giá thành để sản xuất ra 1kg lợn hơi từ lúc bắt đầu nuôi đến đạt trọng lượng 100kg là khoảng 40.000 – 42.000 đồng/kg. Nếu người nuôi chủ động được con giống thì với mức giá xuất chuồng hiện nay còn lỗ ít, còn nếu phải mua giống thì đang lỗ khoảng trên 1 triệu đồng/con. Điều đáng nói, trong khi giá lợn hơi ở mức thấp, giá thịt lợn bán tại các chợ vẫn giữ ổn định ở mức khá cao. Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số chợ như Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Ba Đình)… giá thịt lợn bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, gấp 3 – 4 lần giá lợn hơi. Tại chợ Dương Nội (Hà Đông), mức giá “mềm” hơn một chút là khoảng 85.000 – 90.000 đồng/kg. Lý giải về nghịch lý này, một số tiểu thương cho biết, do giá lợn mua tại các lò mổ vẫn cao nên họ không thể giảm giá thịt!? Còn tại các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt lợn được niêm yết ở mức cao hơn rất nhiều.
Khẩn cấp “giải cứu”
Ở vào thời điểm tháng 6/2016, khi giá thu mua lợn hơi giảm do Trung Quốc ngừng thu mua lợn mỡ nhưng vẫn giữ được mức giá 42.000 – 46.500 đồng/kg, đến tháng 12 còn ở mức giá 37.000 – 38.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy rằng lợn hơi xuất chuồng vẫn tiếp diễn đà trượt giá khá sâu dù thị trường Tết được đánh giá là thời điểm “nóng”, tiêu thụ thực phẩm mạnh nhất trong năm. Theo ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng lợn hơi rớt giá là do nguồn cung vượt mạnh so với cầu. “Tâm lý của người chăn nuôi là tăng đàn để bán vào dịp Tết nên tái đàn không theo quy hoạch, kế hoạch, đua nhau tăng đàn dẫn đến nguồn cung lớn” – ông Trúc chia sẻ. Bên cạnh đó, theo phân tích của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), một trong những nguyên nhân lớn khác do Trung Quốc ngừng thu mua lợn, nhất là lợn mỡ (từ 100kg trở lên) và thắt chặt kiểm soát tiểu ngạch khiến cho việc tiêu thụ lợn bị tắc nghẽn.
Để lập lại mặt bằng giá cho thị trường thịt lợn, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn khẩn đề nghị các tỉnh, TP tạo điều kiện để việc buôn bán, vận chuyển thịt lợn được dễ dàng hơn, nghiêm cấm các cơ quan thú y, thị trường, công an lập các chốt kiểm dịch và thu phí trái quy định. Đồng thời tăng cường thông tin thị trường, giúp cho người chăn nuôi ổn định số lượng, không bị tư thương ép giá.
Tại Hà Nội, nhiều địa phương như Phúc Thọ, Quốc Oai… đã nhanh chóng vào cuộc kết nối tìm đầu ra cho thịt lợn, đặc biệt là với các sản phẩm chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhận định về những bất cập của thị trường thịt lợn hiện nay, ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chia sẻ, việc xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trước mắt, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa có văn bản gửi các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông đảm bảo ATTP. Qua đó tháo gỡ một phần khó khăn về đầu ra cho các hộ chăn nuôi.
Để giải quyết những bất cập hiện nay, cần thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường để người chăn nuôi định hướng sản xuất, không tăng đàn ồ ạt. Đồng thời tổ chức nhiều hơn các chuỗi liên kết và hệ thống phân phối để cắt bớt khâu trung gian, trong đó DN có vai trò rất quan trọng. Cách làm này giúp người chăn nuôi bớt lo về đầu ra và giá bán cũng ổn định hơn.
TS Nguyễn Thanh Sơn
 Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)