Trình bày Tờ trình Dự thảo Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã được sắp xếp thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với con số gần 30.000. Điều đó làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an bán chuyên trách đang dôi dư và phải bố trí tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Do đó, Dự Luật ra đời sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2018.
Hơn nữa, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, xây dựng Luật vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Dự thảo Luật gồm 5 Chương, 35 Điều. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong Nhân dân, bao gồm: Được hỗ trợ hàng tháng theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được bảo đảm các điều kiện để hoạt động như: Bố trí địa điểm, nơi làm việc, bảo đảm cơ sở vật chất, trang phục; được giải quyết chế độ khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự án Luật, nhưng cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng cho hay Dự Luật này có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức “lực lượng”, kinh phí, ngân sách bảo đảm và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nội dung của Dự Luật chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc cho thực hiện thí điểm trong một thời gian, tại một số địa phương nhất định để có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật; hoặc đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, mà chưa cần ban hành Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với việc quy định bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự là cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, những quy định trong Dự Luật như bồi dưỡng, huấn luyện, mua sắm, hỗ trợ đóng bảo hiểm cơ bản “đều xuất phát từ quy định đối với lực lượng công an bán chuyên trách trước đây”. Liệu việc thay quy định phụ cấp hàng tháng thành hỗ trợ hàng tháng thì có tăng chi ngân sách hay không?.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề tại sao Luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng mà chưa đề cập các mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như “hiệp sĩ đường phố”, công nhân tự quản... mà thực tế cho thấy có hiệu quả. Luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của Dự Luật là Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Báo cáo giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quá trình xây dựng luật có khảo sát toàn bộ tổ chức tự quản quần chúng song cuối cùng thống nhất 3 lực lượng trên, vì đây là những lực lượng được thành trên phạm vi toàn quốc, ra đời từ rất lâu và được điều chỉnh trong nhiều văn bản luật, có mối quan hệ chặt chẽ với cơ cấu bộ máy chính quyền, có sự hỗ trợ, được đánh giá là hoạt động hiệu quả.
Các lực lượng tự quản khác khác hoạt động với mô hình khác nhau, đơn lẻ ở địa phương, không bao trùm toàn quốc nên cần nghiên cứu đánh giá thận trọng cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, không có chuyện Luật ra đời sẽ làm giảm vai trò tham gia của các lực lượng này mà còn được phát huy.
Giải thích vì sao Chính phủ đánh giá sau khi bố trí, sắp xếp lại 3 lực lượng sẽ giảm khoảng 500.000 người, Đại tướng Tô Lâm cho biết, với số đơn vị cấp thôn trên cả nước hiện nay, ngân sách Nhà nước phải chi 600 tỷ đồng/tháng cho gần 2 triệu người thuộc 3 lực lượng theo quy định hiện hành. Còn theo dự thảo luật này, lực lượng chỉ còn khoảng 1,5 triệu người với mức chi vào khoảng 450 tỷ đồng/tháng, tức cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng.