Những quyết định này rất được dư luận ủng hộ, bởi đã từ mấy năm nay, câu chuyện xe biển xanh, biển đỏ, xe biển 80A, 80B vi phạm đã gây không ít bức xúc trong xã hội.
Theo quy định về cấp đăng ký, biển số các loại phương tiện cơ giới đường bộ, chỉ có các cơ quan T.Ư và xe của Bộ Công an được cấp biển số xanh 80A, 80B, xe biển đó do Bộ Quốc phòng cấp. Các trường hợp này phải trải qua quy trình xét duyệt khá chặt chẽ. Nhưng thực tế, nhiều đơn vị không nằm trong danh sách trên vẫn được gắn biển số “xe T.Ư” xe các cơ quan Chính phủ. Tình trạng xe biển xanh, biển đỏ, xe biển 80, những chiếc siêu xe biển số đẹp vượt quá tiêu chuẩn cho phép hay việc lợi dụng xe công vi phạm luật giao thông, thậm chí buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng phi pháp… không còn là chuyện hiếm gặp. Những chiếc xe vốn chỉ là phương tiện, biển trắng, biển đỏ hay biển vàng cũng chỉ là để nhận biết, để quản lý nhưng có thể thấy việc quản lý thời gian dài vừa qua đã để buông lỏng. Mặc dù việc phê duyệt mua sắm xe công rất chặt chẽ. Để mua một chiếc xe mới theo định mức sẽ phải nằm trong dự toán ngân sách. Mà dự toán ngân sách này sẽ được các bộ, ngành, UBND xây dựng, sau đó trình Chính phủ, HĐND. Tuy nhiên, trên thực tế CSGT chỉ có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, cấp biển số cho các phương tiện theo quy định. Định mức, giá trị của phương tiện do ngành tài chính. Song không ít trường hợp xe công biển 80 chưa xong thủ tục nộp thuế, làm giấy tờ nên chưa đăng ký vào phần mềm của Trung tâm dữ liệu quốc gia, hoặc trong trường hợp đổi biển cũ từ 4 số lên 5 số nên chưa kịp cập nhật. Thậm chí có không ít cơ quan, đơn vị thanh lý xe nhưng “quên” việc sang tên đổi chủ… Những nguyên nhân trên dẫn đến một thực tế dễ hiểu là xe biển xanh chạy tràn trên phố. Và ở một góc độ nào đó, khi những xe công vụ này lưu thông, thường có những ưu ái nhất định. Nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều đó để biến những chiếc xe biển xanh, biển đỏ như một vật thể có đặc quyền đặc lợi. Lợi dụng xe công phục vụ lợi ích cá nhân, thậm chí ngang nhiên vi phạm pháp luật. Và không biết từ lúc nào các cơ quan công quyền đã tồn tại quan niệm, những chiếc xe biển xanh, biển đỏ như một phương tiên có đặc quyền đặc lợi.
Chính vì thế chỉ lệnh dứt khoát này của Thủ tướng là việc làm cần thiết để dẹp tình trạng xe công rầm rộ trên đường. Cùng đó, lấy lại niềm tin đối với mỗi người dân khi biết rằng những xe biển xanh là xe công vụ, không còn sự nhập nhằng, và sẽ thông cảm hơn nếu bắt gặp những chiếc xe đó nhận được sự ưu tiên vốn có khi tham gia giao thông.
Những lợi ích từ mệnh lệnh của Thủ tướng là rất rõ ràng. Điều này cùng với yêu cầu “xe phải mua sắm có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, chủ trương khoán chi đối với nhiều cơ quan nhà nước, cấm nhận xe cho, tặng từ các DN… của Thủ tướng sẽ lấy lại tính độc lập vốn có của công vụ.