Năm 2013, khi Quỹ bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động, đã có rất nhiều kỳ vọng quỹ này sẽ mang đến một nguồn ngân sách ổn định, phục vụ cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ từ T.Ư đến địa phương; những tuyến đường hư hỏng, xuống cấp kéo dài không có kinh phí sửa chữa, bảo trì sẽ dẫn được chấm dứt. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, Quỹ lại chưa đáp ứng được thực tế. Trong “nhiệm kỳ” 5 năm hoạt động, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư được duy trì với nguồn thu liên tục tăng qua các năm. Tổng thu của Quỹ bảo trì đường bộ trong giai đoạn từ 2013 - 2017 ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng được phân bổ về các tỉnh, thành để phối hợp với ngân sách địa phương thực hiện công tác bảo trì đường bộ. Dù theo đánh giá của Bộ GTVT, Quỹ bảo trì đường bộ trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì (ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù) nhưng có thể nói, sự xuất hiện của Quỹ bảo trì đường bộ đã phần nào phát huy được hiệu quả của mình, đặc biệt là việc bổ sung một nguồn vốn đáng kể cho công tác bảo trì, quản lý đường bộ, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.Trước yêu cầu cần có sự đổi mới trong lĩnh vực này, ngày 18/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính về việc giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư. Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giải thể Hội đồng Quỹ này được đưa ra căn cứ từ ý kiến của một số bộ liên quan, trong đó đáng kể nhất là đề xuất của chính Bộ GTVT. Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ này đề xuất giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư là do sự ra đời của Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách Nhà nước. Bởi, từ năm 2017, khi những văn bản pháp luật này có hiệu lực, với cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây.Với sự ra đời của cơ chế vận hành mới, việc giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư là điều cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường lịch sử của Quỹ bảo trì đường bộ sẽ thấy rằng, sự ra đời cũng như tồn tại của Hội đồng Quản lý quỹ này gần như gắn liền với thời kỳ mở rộng các dự án BOT giao thông vốn gắn chặt với những bất cập trong mức thu phí cũng như vị trí đặt trạm. Trong thời gian qua, câu chuyện được nói đến rất nhiều xung quanh các dự án BOT giao thông chính là những bất cập, sai phạm của nó dẫn tới hệ quả người dân phải chịu cảnh “phí chồng phí”. Việc giải thể Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư cùng với chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu, điều chỉnh, đề xuất phương án tổng thể về Quỹ bảo trì đường bộ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành được kỳ vọng sẽ mang tới một “sứ mệnh lịch sử” mới cho Quỹ bảo trì đường bộ trong tương lai.