Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần thiết xây dựng giáo trình môn Kiều học, giảng dạy cho học sinh?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khuôn khổ sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” (khai mạc ngày 29/10, do MaiHaBooks tổ chức), trước những bàn luận về sức sống của “Truyện Kiều” trong đời sống đương đại, độc giả đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia: Có nên xây dựng môn Kiều học để giảng dạy cho học sinh?

GS Trần Đình Sử - người được biết đến với công trình khoa học “Thi pháp Truyện Kiều” có mặt trong sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” đã nhận được câu hỏi về việc giảng dạy “Truyện Kiều” trong trường học, cũng như việc có nên xây dựng giáo trình về bộ môn Kiều học.

 GS Trần Đình Sử (ở giữa) bày tỏ quan điểm về việc xây dựng giáo trình môn Kiều học để giảng dạy trong nhà trường.

Mặc dù, GS Trần Đình Sử không trả lời thẳng vào câu hỏi về việc xây dựng giáo trình, nhưng ông cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy “Truyện Kiều” trong trường học, “Truyện Kiều” thường được học từ lớp 10 nhưng đến lớp 12 thi tốt nghiệp lại thi văn học đương đại, do đó giá trị của “Truyện Kiều” giảm đi. Tôi nghĩ nên đưa vào chương trình học và thi lớp 12 để học sinh quan tâm nhiều hơn đến tác phẩm này, đi vào thực tế cuộc sống của nhiều người”.

 Các chuyên gia cho rằng, đang có rất nhiều loại hình nghệ thuật lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều": Họa Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều...

GS Trần Đình Sử cho rằng: “Giá trị lớn nhất Đại thi hào Nguyễn Du để lại là nghệ thuật viết, các tác phẩm chữ Nôm, trong đó có “Truyện Kiều” đi vào lòng người hấp dẫn lôi cuốn khiến người đời muốn đọc đi đọc lại, muốn lưu trữ”.

Cùng tham gia giao lưu, tọa đàm với độc giả trong sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” với GS Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đồng tình quan điểm. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Xem nhiều cuốn sách, tất cả các thế hệ họa sĩ Việt Nam đều có tác phẩm họa Kiều, cho thấy sức sống trường tồn của Truyện Kiều”.

 Đã có rất nhiều loại hình nghệ thuật lấy cảm hứng từ ''Truyện Kiều'', trong đó có Thi pháp Kiều.

Để chứng minh sức sống của “Truyện Kiều” đang là nguồn cảm hứng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, Ban tổ chức sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” đã tổ chức nhiều chương trình: Trưng bày bộ sưu tập các ấn phẩm về Kiều và Nguyễn Du qua các thời kỳ, tọa đàm khoa học “Kiều trong cuộc sống hôm nay” và chương trình viết thư pháp của Thư pháp gia Thiền Phong trong “không gian Kiều xưa”. Chương trình “Giới thiệu thư họa Kiều của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Thư pháp gia Châu Hải Đường” cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam. Chương trình “Ai nhớ Tố Như: Nghệ thuật Kiều”. 

“Trong năm kỷ niệm đặc biệt này, để thể hiện niềm trân trọng, sự tri ân của chúng tôi đối với đại thi hào Nguyễn Du cùng Truyện Kiều, MaiHaBooks tái bản 3 ấn phẩm: Kim Vân Kiều tái bản theo bản in năm 1951; Lãm Thúy Tập; và Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du.

 Sự kiện văn hóa ''Ai nhớ Tố Như'' diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Tất cả các ấn bản đều được trình bày ấn loát mỹ thuật, hứa hẹn mang đến cho các quý độc giả những cảm xúc mới mẻ và thăng hoa tình yêu với Truyện Kiều - hồn dân tộc thấm từng hơi thở” - Tổng Giám đốc MaiHaBooks - Hà Thị Hương Mai cho biết: “Bằng tình cảm và lòng tôn kính với bậc tiền nhân, cũng như nỗ lực đồng hành cùng quý độc giả trên con đường “Khơi nguồn tri thức, gìn giữ tinh hoa””.

Nhận xét về 3 tác phẩm của MaiHaBooks, – GS Trần Đình Sử chia sẻ: “Ba tác phẩm được in với nhiều công phu, bằng chữ viết tay, có những điểm thú vị. Trong các tác phẩm về Kiều của MaiHaBooks ra mắt, có tác phẩm dựa trên các câu thơ của Kiều để sáng tác những bài thơ mới, một mặt thể hiện sự đam mê, thuộc “Truyện Kiều”, một mặt thế hiện khả năng sáng tác mới, mang tính chất chơi văn thể hiện tài hoa của mỗi người, điều này rất khó, hiện nay ít người làm được”.

Sự kiện văn hóa “Ai nhớ Tố Như” sẽ diễn ra từ nay đến 31/10, trong khung giờ từ 8 giờ đến 21 giờ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt), Hà Nội.