Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng trước những lời mời hấp dẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngân hàng (NH) tìm cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua phát hành thẻ tín dụng. Dịch vụ cho vay tiêu dùng đang được rầm rộ quảng bá khắp nơi.

Ngân hàng đua kích cầu

Chị Mai Kiều Trang - nhân viên một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội cho biết, thời gian gần đây liên tục nhận được lời mời sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng của hàng loạt NH, công ty tài chính. Nội dung của những lời mời này nghe khá hấp dẫn: Hồ sơ cho vay đơn giản, nhanh gọn, điều kiện dễ dàng (chỉ cần chứng minh thu nhập, có bản sao hộ khẩu, bản sao CMND và một vài hóa đơn sử dụng dịch vụ như điện, nước, điện thoại…); lãi suất thấp; thời hạn vay dài; hạn mức tín dụng/thẻ cao… 

Chị Bùi Trang (quận Ba Đình) đang có nhu cầu đổi xe, nhưng lương tháng chỉ khoảng 8 triệu đồng, với chi phí cho cuộc sống hiện tại, khoản tiền 50 triệu đồng để mua chiếc xe máy ưng ý là rất khó. Vì vậy, chị đã gọi điện đến một chi nhánh NH để được tư vấn vay. "Theo quảng cáo của NH, tôi có thể vay đến 7 lần lương tháng, tức là khoảng 35 triệu đồng, trong thời gian 12 – 36 tháng tùy điều kiện. Và chỉ sau 2 ngày làm việc là có thể biết hồ sơ của mình có được chấp nhận hay không” - chị chia sẻ.
Khách hàng giao dịch qua thẻ tín dụng của VPBank. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng giao dịch qua thẻ tín dụng của VPBank. Ảnh: Phạm Hùng
Hồ sơ vay tiêu dùng hiện khá đơn giản, cơ bản chỉ gồm giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ (theo mẫu), bản sao CMND hoặc hộ chiếu và sổ hộ khẩu/KT3. Ngoài ra, cần các tài liệu liên quan đến hợp đồng lao động, sao kê lương. Thậm chí, nếu vay dưới 10 triệu đồng, khách hàng chỉ cần nộp bản sao CMND hoặc giấy phép lái xe là các thủ tục giải ngân khoản vay sẽ nhanh chóng, dễ dàng...

Thông tin về các chương trình cho vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn tràn ngập tới khách hàng. Đơn cử, đến hết 17/6/2016, khi thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế MB Sakura tại hệ thống nhà hàng ThaiExpress, chủ thẻ MB Sakura sẽ được giảm ngay 20% trên hóa đơn thanh toán (tối đa 500.000 đồng) và giảm 20% tại chuỗi cửa hàng B's Mart trên toàn quốc khi tham gia chương trình. Ngoài ra, khi mua sắm và thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng quốc tế MB Sakura tại các trang web như www.shipchung.vn, www.chodientu.vn, www.ebay.vn..., khách hàng sẽ được giảm ngay từ 5 - 10% trên hóa đơn thanh toán.

Tiện ích đi kèm lãi suất rủi ro cao

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn cho sản xuất không lưu chuyển mạnh, nhưng theo tiết lộ của giám đốc một phòng giao dịch NH ở Hà Nội, vay tiêu dùng, gồm cả có thế chấp tài sản và không thế chấp tài sản vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các khoản vay nhỏ. Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc NH Tiên Phong (TPBank) ví hoạt động này của các NH như việc "nhặt tiền lẻ" nhưng vô cùng hiệu quả. Theo kế hoạch trong 2 năm 2016 - 2017, TPBank và ECPay kỳ vọng sẽ phát hành tối thiểu 300.000 thẻ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. 

Đại diện SHB cho biết, đẩy mạnh tiêu dùng qua thẻ cũng là một trong những cách hỗ trợ cho NH trong việc bán chéo sản phẩm: "Khi khách dùng thẻ của NH để mua sắm thì tôi tin có thể họ sẽ dùng nhiều sản phẩm khác của chúng tôi trong tương lai".

Mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các NH, nhưng về phía khách hàng không khỏi có những băn khoăn. Với khoản khi chi tiêu qua thẻ, thông thường NH cho khách hàng 45 ngày để thu xếp trả nợ. Nếu khách trả nợ trong khoảng thời gian này sẽ không phải trả lãi. Nhưng nếu việc trả nợ được thực hiện sau thời hạn 45 ngày, khách hàng sẽ phải trả lãi cho khoản vay ngay từ ngày bắt đầu thanh toán qua thẻ (không ít khách hàng đều lầm tưởng được miễn lãi hoàn toàn trong vòng 45 ngày). Đó là chưa kể lãi suất vay qua thẻ tín dụng thường ở mức cao so với mặt bằng lãi suất vay vốn.

Thời điểm này, lãi suất cho vay sản xuất ở hầu hết các NH đã xuống quanh mức 9 – 10%/năm, thấp hơn nữa đối với 4 nhóm được ưu tiên. Nhưng lãi suất vay tiêu dùng, vốn tác động rất rõ ràng và cụ thể vào giao dịch của nhiều cá nhân, hộ gia đình, lại vẫn đang bị “buông”. Chính vì thế, tồn tại không ít khoản vay vẫn đang phải trả lãi “ngất ngưởng” tới… trên 20%. “Khách hàng cá nhân không cầm trịch trong cuộc thỏa thuận về lãi suất với NH” - một chuyên viên VietinBank bình luận. Thực tế cho thấy, vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua ô tô đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lợi nhuận của các NH.