Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Nông nghiệp công nghệ cao cần có hỗ trợ chính sách của TP song quan trọng vẫn là vai trò của những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp, tại Hà Nội từ trước đến nay luôn nhận được sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, kể cả của các đơn vị, các nhà trường, các viện…, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân và nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã đi khảo sát thực tế cùng nhiều DN, tại nhiều vùng sau dồn điền đổi thửa cho thấy, nhiều máy cấy, các thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ… đã được TP bỏ tiền ra để hỗ trợ, có lúc tới 900 triệu đồng để mua các máy này đưa đến các hợp tác xã làm rất tốt, có những DN đã làm hoa ly, hoa lan xuất khẩu. Hay có những sản phẩm như bò 3B đã triển khai đến 8 huyện, từ 40.000 con hiện đã phát triển lên 60.000 con, với giá cao, chất lượng tương đương thịt bò Úc, Mỹ…
Thực tế, TP đã triển khai 6 nhóm chính sách hỗ trợ, từ dồn điền đổi thửa đến công nghệ cao, giống cây trồng, từ lực lượng thú y đến cán bộ kỹ thuật. Ở các xã, TP đều có các cán bộ kỹ thuật, nhất là về bảo vệ thực vật để trực tiếp giúp bà con nông dân trong xử lý dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, kênh mương nội đồng… “Xét về hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, kể cả tại các bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, có thể nói Hà Nội đã đạt kết quả khá tốt’, ông Sửu khẳng định.
Tới đây, để thực hiện được những vùng nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của TP (như việc TP đang chuẩn bị khu 75ha tại Yên Nghĩa), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho hay: Riêng tại TP Hồ Chí Minh đã mất hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư cho khu công nghệ cao. Trong bối cảnh Hà Nội có nhiều nhiệm vụ đang đặt ra yêu cầu phải chi tiêu đầu tư nhất là từ ngân sách, nếu TP quyết tâm thì sẽ phải huy động từ mọi nguồn lực, không chỉ trông chờ ngân sách. Đây cũng là một tư duy cần lưu ý. Thực tế, để làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài cần quy mô lớn thì còn đòi hỏi phải đầu tư rất sâu về chất xám.
Vì vậy, “tới đây, Hà Nội sẽ quyết tâm thực hiện theo quy hoạch, như các vùng lúa tập trung chất lượng cao vừa qua được nhiều huyện đã làm tốt, tới đây TP sẽ tiếp tục quy hoạch để đẩy mạnh lên. Với khu công nghệ cao, TP tiếp tục quyết tâm để thực hiện lộ trình từ nay đến năm 2020 như theo quyết định phê duyệt quy hoạch”, ông Sửu khẳng định và cũng cho biết: Quyết định quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định 1259 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011) và năm 2012 TP phê duyệt quy hoạch này, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch thì có những chỗ bắt đầu có thay đổi, nên tới đây trong quy hoạch tới năm 2020, TP sẽ điều chỉnh trong lĩnh vực này. Với các vấn đề khác như về chuỗi giá trị, ông Sửu nhấn mạnh: TP đang tích cực thực hiện, tập trung đẩy mạnh 60 chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, TP đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Như trong nuôi bò sữa, nhất là ở huyện Ba Vì, TP đang tập trung vào những khu rất lớn, kêu gọi các nhà đầu tư. “Nông nghiệp công nghệ cao cần có hỗ trợ chính sách của TP song quan trọng vẫn là vai trò của những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trong năm 2018, chúng tôi cũng đề nghị HĐND TP điều chỉnh lại một số quy hoạch để phù hợp với thực tế hiện nay”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nêu rõ.