Từ tác động của tin đồn, phản ứng thường thấy là một bộ phận dòng vốn sẽ tạm rời thị trường chứng khoán, tìm đến các kênh trú ẩn như vàng và ngoại tệ. Tin đồn lãnh đạo ngân hàng bỏ trốn, bị bắt; hay những đồn thổi liên quan tới tỷ giá khiến người dân hoang mang và làm lợi cho một nhóm người.
Tung tin đồn tạo sóng trục lợi từ 500-700 tỷ đồng
Tin đồn Chủ tịch Ngân hàng cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Trần Bắc Hà bị bắt vừa rộ lên ngày 21/2/2013, khiến thị trường chứng khoán. đầu giờ chiều hôm 21/2/2013, thị trường chứng khoán đột ngột chao đảo chỉ trong quãng giao dịch ngắn với phiên giảm điểm mạnh nhất (Chỉ số Vn-Index rơi mạnh hơn 18 điểm) trong vòng 6 tháng qua. Nhà đầu tư tranh nhau bán ra theo tâm lý vì liên tưởng tới những tác động xấu như vụ bắt bầu Kiên)– cựu phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB hồi tháng 8 hay vụ tin đồn bắt cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành gần đây.
Giám đốc môi giới một Công ty chứng khoán cho biết, mức độ hoảng loạn của nhà đầu tư rất lớn, dẫn tới cảnh bán tháo trên toàn sàn từ đầu giờ chiều . Nhiều nhà đầu tư không biết lý do cổ phiếu ồ ạt rớt giá cũng hốt hoảng bán theo, vì lo sợ rủi ro hệ thống như đã gặp phải sau sự kiện bầu Kiên bị bắt trước đây. Nhiều người có tâm lý muốn bán chứng khoán, rút tiền tiết kiệm đi mua USD và vàng. Một số chuyên gia chứng khoán ước tính khoảng 400-500 tỷ đồng đã "bay hơi" khỏi thị trường chứng khoán trong ngày khiến Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các cơ quan liên quan phải khẩn trương rà soát và báo cáo toàn bộ giao dịch các phiên gần đây đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi.
Trong khi đó, bắt nhịp với thị trường chứng khoán, giá vàng và tỷ giá USD/VND cũng nhanh chóng đảo chiều với biến động mạnh. Giảm giá tiền đồng 2-3% so với đôla Mỹ là đề xuất của một số chuyên gia từ trước Tết Nguyên đán. Họ cho rằng cho rằng VND đang bị định giá quá cao, cần phá giá, thậm chí mạnh để hỗ trợ xuất khẩu, tránh dồn nén trong tương lai… Và đây là việc tốt hỗ trợ cho xuất khẩu, nên làm ngay quý I khi lạm phát còn thấp và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào. Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó không có phản hồi chính thức.
Sau Tết, một số ngân hàng lớn tăng cường mua đôla để cân bằng trạng thái và phục vụ nhu cầu thanh toán đến hạn. Động thái này càng khiến giới đầu tư bán tín bán nghi về khả năng điều chỉnh, tỷ giá ngoài chợ đen tăng nhanh qua mốc 21.000 đồng. "Ngoài chợ đen, nhiều người suy đoán ngân hàng mua đôla chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá", nguồn tin này nói.
Thị trường càng thêm nóng khi tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt loang đi, các ngân hàng nhỏ cũng tăng cường mua đôla khiến tỷ giá trong ngân hàng cũng leo qua mốc 21.000 đồng, một số điểm ghi nhận mức kịch trần biên độ 21.036 đồng.
Thực tế là một số ngân hàng đã bán đôla trước Tết, nay có nhu cầu mua lại. Cùng thời điểm này, xuất hiện một số nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán đến hạn. Tỷ giá USD/VND có gợn lên, chủ yếu do tâm lý thị trường, còn tình hình cung - cầu chưa đến mức Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc. Với trên dưới 30 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đủ lực để can thiệp nếu có biến động bất thường. Ngay sáng 22/2, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh bán ra ngoại tệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường để bình ổn tỷ giá.
Cuối chiều nay, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng đã xuất hiện để phủ nhận những tin đồn ác ý về ngân hàng mình và cho rằng "có một nhóm đầu cơ nào đó tung tin để trục lợi". "Thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, tới BIDV mà có thể khiến nhiều người dân thiệt thòi, mà còn là an ninh tiền tệ của quốc gia. Những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chínhvốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua nhờ thông tin đồn thổi này..Rõ nhất là thị trường chứng khoán xuất hiện 4 mã có nghi vấn bị làm giá. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công An và đề nghị Bộ xử lý những kẻ tung tin nhảm", ông Hà bức xúc. Và điều tra vụ việc này, theo ông Hà, là không quá khó khăn, chỉ cần tìm hiểu từ trung tâm lưu ký chứng khoán. Theo nhận định của Tổng cục An ninh II (Bộ Công An), đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính ngân hàng. Theo Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II: “Tổng cục An ninh II, Bộ Công an đang chỉ đạo điều tra xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên”. Cục An ninh Kinh tế đã lập chuyên án điều tra việc tung tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt, làm chao đảo thị trường tài chính ngân hàng ngày 21/2
Cần thận trọng, tỉnh táo để tránh những thiệt hại không đáng
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng việc bịa đặt và loan tin Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt không những đã để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế, làm thiệt hại cho nhiều tổ chức và cá nhân mà nó còn thỏa mãn dấu hiệu của “tội vu khống” được quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự. Theo luật sư Vinh, người vu khống có trục lợi từ việc loan tin bịa đặt này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà là một trong những doanh nhân có uy tín trên thị trường tài chính Việt Nam. BIDV nhiều năm liền là ngân hàng hoạt động có lợi nhuận cao, triển khai nhiều hoạt động xã hội hiệu quả. Chỉ tính từ 1/5/2012 đến cuối năm 2012, BIDV có doanh thu đạt trên 32.591 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần đạt trên 9.332 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt trên 7.420 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2012, tổng tài sản BIDV đạt trên 484.695 tỷ đồng và tổng lợi nhuận ròng đạt gần 3.000 tỷ đồng (đã trích lập các chi phí dự phòng rủi ro tín dụng).
Ngân hàng Nhà nước cuối chiều 21/2 cũng đã phải phát đi thông điệp chính thức, bác tin phá giá và cam kết ổn định giá trị tiền đồng. Phó thống đốc Lê Minh Hưng tuyên bố "Ngân hàng Nhà nước kiên quyết ổn định tỷ giá và đủ tiềm lực để thực hiện điều này".
Trong những ngày biến động giá vàng, tỷ giá vừa qua thị trường không có bất kỳ một giao dịch hay lực cầu cục bộ nào đặc biệt, hoặc có sức tác động đáng chú ý. “Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là không phá giá VND, mà bám sát thị trường, linh hoạt để giữ ổn định chung. Phá giá VND không phải là một vấn đề đơn lẻ, mà liên quan đến nhiều cân đối trong chính sách tiền tệ, trong ổn định vĩ mô nói chung. "Đây là những thông tin thất thiệt của giới đầu cơ, tung ra nhằm mục đích tạo sóng kiếm lời, gây nguy hại đến người dân", Phó thống đốc khẳng định. Ông Hưng khuyến cáo người dân và doanh nghiệp cần thận trọng, hãy tỉnh táo trước tin đồn đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có và nhận định đồng Việt Nam hiện vẫn đảm bảo hơn đôla Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn đồng thời có biện pháp xử lý thích hợp. Hành vi mua bán ngoại tệ trái phép cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Thời gian qua dự trữ ngoại hối tăng mạnh, cung cầu ngoại tệ cân bằng các nhu cầu hợp pháp, hợp lý về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống tổ chức tín dụng.
Thị trường ngoại hối dần hạ nhiệt ngay trong sáng hôm sau 22/2, tỷ giá đã giảm 60 - 100 đồng/USD (từ mức 21.000 đồng xuống còn 20.900 đồng/USD). Trong khi chỉ số VN-Index tăng 0,2% cộng thêm giá trị khớp lệnh đạt hơn 1.447 tỷ đồng, nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn trong mua vào, dù lượng bán ra vẫn còn lớn. Với người dân, đây cũng là bài học để tránh hoang mang mắc lừa, cũng như không có những hành vi tiếp tay cho tin đồn, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thị trường tài chính và chính mình bị thiệt.