Đó là điều kiện mà Cadana đặt ra trước khi đổ tiền vào quỹ cứu trợ chung.
Xây “tường lửa” quanh ngân hàng
Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty ngày 24/12 cho biết, nước này sẵn sàng đóng góp vào một quỹ cứu trợ tài chính cho châu Âu dưới sự điều phối của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với điều kiện tất cả các nước trong Nhóm G20 đều tham gia hỗ trợ.
Ông Flaherty cho biết cả thế giới không thể làm ngơ trước viễn cảnh một châu Âu sụp đổ, điều này sẽ để lại những hậu quả to lớn. Ông nói: "Nếu các nước G20 đều cung cấp thêm tiền cho IMF để giải cứu cho châu Âu, tôi nghĩ Canada sẽ tham gia bởi cả thế giới đều lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu".
Trước đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố nước này không muốn sử dụng kinh phí của mình để bảo lãnh cho các nước châu Âu. Ông cho rằng, châu Âu có đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng này và IMF nên tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho các nước nghèo.
Ông Flaherty cũng đưa ra điều kiện là các nước châu Âu phải "cam kết sử dụng toàn bộ các nguồn lực được hỗ trợ" để vực hệ thống tài chính của khu vực. Ông nói: "Các nước châu Âu hiện vẫn chưa làm được điều đó, mặc dù trên thực tế khu vực này đang ở bên bờ vực khủng hoảng rất nghiêm trọng".
Theo ông Flaherty, để đối phó với cuộc khủng hoảng, các nước châu Âu cần phải xây dựng một "bức tường lửa" xung quanh các ngân hàng đã bị "truyền nhiễm". Ngoài ra, IMF cũng nên hành động để đảm bảo, các nước châu Âu phải cân bằng ngân sách và việc giải quyết các khoản nợ khổng lồ của họ phải được giám sát để thế giới tin họ đang thực hiện lời hứa.
Thực lực của Canada
Trong báo cáo mới đây, IMF cảnh báo sự kết hợp giữa nợ của các hộ gia đình và giá nhà ở quá cao với các vấn đề kinh tế đối ngoại đang là mối nguy cơ lớn đối với kinh tế của Canada. Tuy nhiên, IMF nhận định nền kinh tế này vẫn trong trạng thái tốt hơn nhiều so với các nước G7.
Theo IMF, kinh tế Canada đang phục hồi khá tốt, song có nhiều vấn đề có thể tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi này. Nguy cơ nghiêm trọng nhất là môi trường toàn cầu, đặc biệt là việc cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
IMF cho rằng, tình hình ở Canada có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi các khoản nợ hộ gia đình đã lên đến mức kỷ lục và giá nhà đã vượt mức trung bình 10%. Bên cạnh đó, những cú sốc kinh tế vĩ mô có thể khiến nhiều việc làm bị mất, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn và giá nhà sẽ sụt giảm, dẫn đến chi tiêu của các hộ gia đình giảm.
Nếu điều này xảy ra, Canadã buộc phải thực hiện các gói kích thích kinh tế. Đây không phải lần đầu tiên IMF cảnh báo về giá nhà đất của Canada, nơi giá trung bình đã tăng khoảng 41% ở British Columbia và 29% ở Ontario kể từ sau 2008. Báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh, những nhận định trên không đặt ra đòi hỏi phải có sự điều chỉnh lớn trong thị trường nhà đất của Canada hoặc báo trước một nguy cơ suy thoái đối với kinh tế nước này.