Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ cuối tháng tư đến nay, giá USD lại nóng lên, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng giá USD lên kịch trần cho phép 21.036 VND/USD, thậm chí tăng giá mua bằng giá bán lên kịch trần 21.036 VND, trong khi giá bán USD trên thị trường tự do lên tới 21.320 VND.

Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời - Ảnh 1

Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời

4 yếu tố khiến USD tăng giá

Áp lực lên tỷ giá xuất hiện vào thời điểm giá vàng thế giới giảm sâu vào ngày 16/4/2013 và tiếp tục thiết lập đáy mới vào ngày 21/6 vừa qua sau thời gian ngắn ngủi khoảng 2 tháng. Trong thời gian này, các NHTM Việt Nam khẩn trương tất toán trạng thái vàng theo hạn chót vào ngày 30/6/2013, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới ngày càng giảm sâu, khách hàng gửi vàng tại các NHTM có xu hướng nhận đổi vàng sang tài sản khác, phần nhiều là chuyển sang USD. Phương án này có lợi cho cả khách hàng và các NHTM, nên các NHTM phải chuẩn bị một lượng USD nhất định. Do giá USD ổn định, nên mỗi NHTM đều mong muốn giá vàng giảm thêm, khi đó sẽ giảm chi phí tất toán vàng.

Yếu tố thứ hai khiến USD tăng giá là do nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân thường tăng vào giữa năm, khi một số gia đình phải mua dần ngoại tệ để chuẩn bị cho con em đi du học nước ngoài. Đối với người Việt Nam, nhu cầu đi du học nước ngoài ngày càng tăng, và làm tăng nhu cầu thu gom ngoại tệ.

Cũng vào thời điểm này hàng năm, nhu cầu đi du lịch nước ngoài cũng tăng cao, khi nhiều hộ gia đình và cá nhân ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng tránh những ngày hè nóng nực bằng cách đi du lịch xuống vùng biển tại các nước láng giềng hoặc xa hơn là đi du lịch sang các nước châu Âu.

Yếu tố thứ ba khiến USD tăng giá là do lãi suất tiền gửi VND giảm, một số người có xu hướng găm giữ USD hơn là VND và những tài sản khác. Tuy nhiên, tác động của yếu tố này không nhiều do gửi VND vẫn có lợi hơn so với USD, trong khi năng lực tài chính của số đông doanh nghiệp và cá nhân đều thấp do khó khăn kinh tế kéo dài.

Một yếu tố khác có thể gây áp lực tăng giá USD, nhưng chỉ có tác động yếu ớt. Đó là, nhu cầu thu gom USD để nhập lậu vàng do giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, nhập lậu vàng là hoạt động rủi ro và rất khó mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, do giá vàng thế giới ngày càng giảm.

Áp lực chỉ mang tính nhất thời

Để chấm dứt áp lực lên tỷ giá, NHNN chỉ cần nâng giá USD thêm một chút, buộc các NHTM phải nhanh chóng tất toán trạng thái vàng. Sau thời gian đó, nhu cầu thu gom USD tại các NHTM sẽ hạ nhiệt, gây tác động lan tỏa sang thị trường tự do vốn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên thị trường ngoại hối quốc gia.

Tuy nhiên, giá USD tăng sẽ gây tác động lên mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá dầu do Việt Nam phải nhập khẩu hầu như toàn bộ xăng dầu chế biến. Đồng thời, gây tác động tâm lý khi nhiều người chuyển sang USD nhằm tránh lạm phát, điều này lại tiếp tục gây áp lực lên tỉ giá.

Khi giá USD tăng, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh và các hợp đồng kinh tế, gây tốn kém tiền bạc và nhiều bất lợi khác cho doanh nghiệp. Ngay đến các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa chắc đã hưởng lợi do giá USD tăng, do nhiều doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ngay từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ không quá 2-3% trong năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của VND, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013 tại Hà Nội, Thống đốc NHNN cho biết, tỷ giá có áp lực tăng trong gần hai tháng qua, nhu cầu ngoại tệ tăng lên nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của thị trường, NHNN sẽ duy trì tỷ giá ổn định, nếu điều chỉnh thì cũng không tăng quá 2%. Đồng thời sẽ cân nhắc giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ để tạo lợi thế cho VND, hạn chế sự chuyển dịch sang USD.

Cũng như các nền kinh tế đang chuyển đổi khác, giá trị VND sẽ tăng dần so với USD và các loại ngoại tệ chủ chốt khác, khi trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cũng như thu nhập của người lao động tăng dần. Theo nghĩa này, thay vì điều chỉnh tăng giá USD, nên tập trung mối quan tâm vào việc tăng cường các biện pháp và chính sách kinh tế khác để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.