Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo nạn tiền giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán tiền giả qua mạng xã hội (facebook, fanpage…) có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt trong dịp cận Tết, hoạt động này lại càng “nở rộ”. Cơ quan điều tra đánh giá, hoạt động tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả luôn là một vấn đề nhức nhối. Các vụ việc liên quan đến tiền giả không chỉ xâm hại đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước mà còn ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, đời sống Nhân dân.

Công khai rao bán trên mạng

Khi gõ cụm từ “bán tiền giả”, “mua tiền giả” ở mục tìm kiếm trên facebook, lập tức xuất hiện rất nhiều tài khoản. Kích vào một tài khoản cá nhân hay nhóm nào đó thì có thể thấy hàng trăm thành viên tham gia các nhóm này. Tài khoản thuộc nhóm kín mang tên “Mua bán tiền giả (98%) – Uy tín” hiện có đến 485 thành viên tham gia. Trên tài khoản mang tên K.V được cập nhật: “Nhân dịp năm mới 2016 mình xin ưu đãi lớn cho mọi người mua tiền của mình với giá cực tốt. Mua 500.000 đồng được 3,5 triệu đồng.
Một tài khoản facebook ngang nhiên công khai rao bán tiền giả trên mạng.	 ảnh: Đạt Lê
Một tài khoản facebook ngang nhiên công khai rao bán tiền giả trên mạng. ảnh: Đạt Lê
Những ai lấy trên 10 triệu đồng thì giá sẽ hấp dẫn hơn...”. Chủ tài khoản này cũng đưa ra thông tin: “Mình chỉ bán hết tuần này nữa thôi nên ai mua thì ibox mình nhé. Hàng không còn nhiều, hết tuần sau là mình nghỉ rồi nhé vì gần Tết nhập hàng về qua cửa khẩu rất khó. Sau Tết mình sẽ tiếp tục nên các bạn nào lấy số lượng lớn thì tranh thủ ngay đi nhé...”. Để tạo niềm tin với những khách mua tiền giả, các đối tượng chấp nhận thanh toán 2 đợt, trước và sau nhận tiền. Hai bên đàm phán xong mua bán, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng mua thẻ cào điện thoại, thẻ game…, thậm chí nhiều đối tượng sử dụng cả tài khoản ngân hàng yêu cầu khách chuyển tiền vào. Đáng chú ý, các đối tượng bán tiền giả đều khẳng định số tiền giả rao bán giống với tiền thật 98 - 99%; các tờ tiền dùng mắt thường không thể phát hiện, trừ khi soi máy quét mới thấy. Các đối tượng đều cho rằng tờ tiền giả được sản xuất từ công ty nên có độ tinh xảo rất cao, mắt thường không thể biết được. Ngoài ra, những chủ tài khoản với mục đích bán tiền giả còn hướng dẫn bên mua nên tiêu tiền với số lượng nhỏ lẻ, ở vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa để tránh bị phát hiện.

Thủ đoạn tiêu tiền giả tinh vi
PC50 - Công an TP Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, PC50 đã nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng mua - bán tiền giả công khai trên mạng facebook. Hiện, PC50 đang tiến hành xác minh, điều tra để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hoạt động của loại hình tội phạm buôn bán tiền giả, theo một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC50 - Công an Hà Nội) cho biết: Tiền giả không chỉ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến đời sống, gây ra tâm lý hoang mang trong Nhân dân. Nguồn gốc tiền giả thường xâm nhập vào Việt Nam thông qua đường biên giới phía Bắc với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu như trước đây, tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì gần đây, số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Vừa qua, xuất hiện cả tình trạng tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam có thủ đoạn nhúng tiền giả vào hóa chất làm cho tờ bạc chuyển sang màu sẫm, tạo cảm giác tiền cũ đã được lưu thông. Với cách này, các đối tượng có thể “qua mắt” được một số máy kiểm tra tiền của ngân hàng và các DN.

Hiện nay, các đối tượng buôn bán tiền giả dùng nhiều thủ đoạn để tiêu thụ tiền giả. Thông thường, các đối tượng lợi dụng lúc trời tối, nơi thiếu ánh sáng để dùng tiền giả mua hàng. Bởi lúc đó, do bị hạn chế về khả năng quan sát nên người bán hàng không phát hiện được hành vi tiêu thụ tiền giả của các đối tượng. Cũng có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì chúng đã đi xa… Để tiêu thụ tiền giả trót lọt, các đối tượng “nhắm” tới những cửa hàng, người bán hàng lẻ, chúng thường mua hàng có giá trị thấp bằng tiền giả có mệnh giá cao để người bán hàng trả lại tiền thừa bằng tiền thật. Còn khi mua hàng có giá trị lớn, hoặc khi trả nợ, do nắm được thói quen của người nhận tiền với số tiền lớn thường chỉ kiểm tra những tờ phía ngoài rồi đếm qua gáy chứ không kiểm tra từng tờ, các đối tượng này còn kẹp lẫn tiền giả với tiền thật. Với thủ đoạn đánh vào tâm lý của người mua hàng trong những trường hợp sử dụng tiền giả vào một số hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc, mua vũ khí, ma túy..., người đưa tiền và người nhận tiền đều biết đó là hoạt động bất hợp pháp nên việc mua bán diễn ra lén lút, người bán không kiểm tra hoặc nếu phát hiện ra tiền giả cũng không tố giác tội phạm…

Trao đổi với phóng viên về hoạt động buôn bán tiền giả, luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Điều 23 Luật Ngân hàng đã quy định các hành vi bị cấm gồm: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; hủy hoại đồng tiền trái pháp luật… Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm… Theo luật sư Đĩnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội là do lòng tham của một số cá nhân. Người mua, tiêu thụ tiền giả chính là những người đồng lõa, có hành vi vi phạm pháp luật. Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, mỗi người dân tuyệt đối không tham gia tiêu thụ và mua bán tiền giả, đồng thời nắm rõ các đặc điểm của tiền thật để hạn chế rủi ro khi tham gia các giao dịch. Đồng thời, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức thủ đoạn của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; tích cực phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương đấu tranh, phòng chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.