Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản

Bài, ảnh: Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư tiếp nhận 98 ca mắc viêm não, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản, còn lại viêm não do các loại virus khác. Bệnh viêm não Nhật Bản để lại nhiều di chứng nặng như liệt, bại não, sống thực vật…

Tỷ lệ tử vong cao
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em,BV Nhi T.Ư, bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng Hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.
Hiện Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đang điều tị cho 2 bệnh nhi nặng, trong đó có trường hợp bé V.T.K. (10 tuổi) bị viêm não Nhật Bản. Mẹ bé K. cho biết, trước khi nhập viện và phát hiện mắc viêm não, con trai chị có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn trớ… Thấy họng con bị đỏ nên chị nghĩ bé bị viêm họng và mua thuốc cho uống. Đến ngày thứ 3, tình trạng K. càng nặng thêm, uống thuốc cũng không đỡ nên gia đình vội vàng đưa đến BV tỉnh khám. Tại đây, các bác sĩ lập tức chuyển lên BV Nhi T.Ư điều trị.
 Bệnh nhi V.T.K. (10 tuổi) bị viễm não Nhật Bản đang điều trị tại BV Nhi T.Ư. 
Bác sĩ Đào Hữu Nam - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh nhi K. khi vào viện đã ở trong tình trạng rất nặng, các bác sĩ phải đặt nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, tính mạng không còn nguy hiểm, tuy nhiên, bé đã bị biến chứng không đi lại được. “Nguyên nhân mắc bệnh của cháu K. là mẹ quên không tiêm nhắc lại vaccine cho con. Hiện, sau khi điều trị ổn định, bệnh nhi sẽ được chuyển viện tiến hành châm cứu, điều trị phục hồi chức năng, hy vọng sẽ hồi phục” - bác sĩ Nam nói.
Cũng theo các bác sĩ, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25 - 35%). Bệnh khởi phát với các dấu hiệu sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động. Di chứng nặng khiến trẻ mất chức năng vận động, nằm tại chỗ và gần như phải có người chăm sóc suốt đời, nhẹ là động kinh, điếc, kém giao tiếp. Nếu trẻ có thể phục hồi thì cũng chỉ đạt được mức độ trẻ tự phục vụ sinh hoạt cá nhân.
Phòng bệnh bằng tiêm vaccine
TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, mặc dù viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc chủ động tiêm vaccine. Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên: Tiêm chủng lần 1 khi trẻ đủ 1 tuổi; lần 2 từ 1 - 2 tuần sau lần 1; lần 3 từ 1 năm sau lần 2.
Ngoài ra, để phòng viêm não Nhật Bản cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp trong mùa Hè cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.
TS Lâm khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những dấu hiệu để cha mẹ phân biệt giữa sốt virus với sốt do viêm màng não đó là: Sốt virus có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu nhưng sốt do viêm màng não thường sốt rất cao, cấp tập 1 - 2 ngày, đau đầu nhiều, thường nôn vọt không liên quan đến bữa ăn. Đáng chú ý là trẻ viêm não cũng kèm theo rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê.