Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cao tốc “đường làng” Hà Nội - Bắc Giang: Hạ vận tốc lưu thông tối đa

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Bộ GTVT vừa chính thức yêu cầu chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Bắc Giang hạ vận tốc lưu thông trên tuyến đường này xuống tương đương mức cho phép của đường quốc lộ vì mất ATGT.

Rủi ro vì lưu thông “tạm”
Cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang vốn được nâng cấp từ nền đường cũ của QL1, không mở rộng thêm, lại thiếu đường gom dành cho xe máy đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Ninh. Chủ đầu tư là Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ thảm lại mặt đường, bổ sung thêm đèn chiếu sáng, rào hộ lan, sơn kẻ vạch rồi cho lưu thông chung cả ô tô, xe máy. Hai tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang đã liên tục có kiến nghị lên Bộ GTVT, yêu cầu chủ đầu tư phải làm đường gom, hoàn thiện các hạng mục còn lại để đảm bảo lưu thông. Chính đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận, hiện nay, tuyến đường vẫn đang được khai thác theo phương án tổ chức giao thông “tạm”. Tuy nhiên, trong điều kiện đó, bất chấp những nguy hiểm rình rập người cùng phương tiện qua lại, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng địa phương, Bộ GTVT vẫn cho nâng vận tốc tối đa tuyến đường lên 100km/giờ.
 Cho lưu thông chung ô tô, xe máy với vận tốc tối đa 100km/giờ, tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tăng vọt. Ảnh: Ngọc Hải
Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển cho rằng, thực tế chưa có đường gom để tách xe máy đi riêng thì đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Ninh chưa thể coi là hoàn chỉnh, đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc. Cho lưu thông với tốc độ như hiện nay là không hợp lý, mất trật tự, ATGT. Mặt khác, hướng lưu thông Hà Nội - Bắc Giang hiện không có đường dẫn lên cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang cũng khiến các phương tiện gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc cho người dân. Ông Tuyển khẳng định: “Tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, nhà đầu tư về việc này nhưng chưa được đáp ứng. Khi chưa có đường gom để tách xe máy thì không thể cho lưu thông với tốc độ 100km/giờ như hiện tại”. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã ký văn bản gửi chủ đầu tư, đốc thúc nhanh chóng hoàn thiện những hạng mục còn lại để đảm bảo ATGT trên tuyến.
Kinh phí từ đâu?
Sau một thời gian cho lưu thông “tạm”, trước số liệu TNGT tăng đột biến và những kiến nghị liên tiếp của địa phương, Bộ GTVT đã buộc phải tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư và các bên liên quan để tìm giải pháp. Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã thừa nhận việc cho lưu thông với tốc độ tối đa 100km/giờ trên đoạn Hà Nội - Bắc Ninh là chưa hợp lý, vì đoạn tuyến này chưa phải đường cao tốc. Cần điều chỉnh khung giới hạn vận tốc về đúng với phân cấp đường là từ 70 - 90km/giờ. Ngay sau đó, tại văn bản gửi Tổng cục Đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo, trước mắt để đáp ứng nhu cầu vận tải và ATGT, giao Tổng cục Đường bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh giảm tốc độ khai thác đoạn Hà Nội - Bắc Ninh trước mắt theo tốc độ khai thác đối với đường quốc lộ; rà soát lại hệ thống biển báo để nhà đầu tư điều chỉnh kịp thời.
Nhưng thực tế lại phát sinh một vấn đề phức tạp khác: Kinh phí để thay thế biển báo sẽ do ai chi trả? Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang đang kiến nghị Tổng cục Đường bộ “hướng dẫn” nguồn kinh phí ở đâu để thực hiện. Bởi theo họ, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt, nghiệm thu đưa vào khai thác, thu phí đúng quy trình. Còn vấn đề phát sinh khi tháo dỡ, thay thế biển báo nằm ngoài dự án, hay nói cách khác, họ không có trách nhiệm chi trả khoản phí này. Câu hỏi về nguồn kinh phí “phát sinh” hiện vẫn chưa có đáp án cụ thể. Trong khi đó, dù Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phải hoàn thành tuyến đường gom đoạn Hà Nội - Bắc Ninh trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhưng chiều 4/10, ông Tuyển cho biết, chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục thỏa thuận với địa phương, chưa biết khi nào mới xong (!?).