Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bách nhưng phải thận trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Xây dựng Chiến lược công nghệ sạch" - đó là chủ đề và mục tiêu của Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/11 để thu thập ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo "Chiến lược sử dụng công nghệ sạch (CNS)" trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Sản xuất “sạch”: Nhiều hạn chế

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, trong 10 năm  gần đây, cơ cấu công nghệ trong sản xuất công nghiệp nước ta đã thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, đa dạng về trình độ xuất xứ, đan xen trong từng doanh nghiệp (DN) và từng chuyên ngành sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung nền công nghiệp Việt Nam tụt hậu khá xa so với thế giới, chủ yếu do hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất chưa cao, suất tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và năng lượng, mức phát thải ra môi trường lớn hơn nhiều so với các nước. Theo Vụ KHCN (Bộ Công Thương), một lượng không nhỏ thiết bị sản xuất hiện tại sử dụng công nghệ phổ biến của những thập niên 80 - 90, thậm chí 70 của thế kỷ trước, với hàm lượng công nghệ mới và CNS thấp.

Cấp bách nhưng phải thận trọng - Ảnh 1

Sử dụng công nghệ sạch trong sản xuất góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.Ảnh: Trần Việt

Khảo sát của Bộ Công Thương năm 2012 tại gần 500 DN thuộc 9 ngành CN (dệt may, da giày, giấy, bia, thiết bị điện, hóa chất, thép, khai thác và chế biến than, nhiệt điện) cho thấy: Trong khi hầu hết các ngành có quy hoạch với định hướng đẩy mạnh áp dụng và đổi mới công nghệ theo hướng "sạch", thì mức độ thực hiện thực tế lại tương đối hạn chế và chưa đa dạng. Đơn cử ngành da giày, xu hướng sử dụng CNS chủ yếu chỉ xác định cho công đoạn thuộc da, còn tại công đoạn gia công giày da chỉ tập trung vào giải pháp tự động hóa công nghệ gia công giày và kiểm soát tốt hóa chất tồn dư trong sản phẩm. Với ngành sản xuất bia, xu hướng CNS chủ yếu chỉ tập trung vào sử dụng hiệu quả nguồn nước và năng lượng...

Xem xét thận trọng

Gần đây, Chính phủ đã có một số chính sách, chiến lược đề cập đến CNS như một giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường và giảm thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh…

Tuy nhiên, "các văn bản chính sách này tập trung vào các vấn đề chung đảm bảo phát triển bền vững của toàn xã hội, chưa tập trung xác định chiến lược cho riêng việc sử dụng CNS trong hoạt động sản xuất và sản phẩm công nghiệp. Do đó, việc xây dựng chiến lược CNS hoàn toàn phù hợp xu hướng phát triển và thực sự cấp bách tại Việt Nam" - ông Tú nhấn mạnh.

Góp ý cho dự thảo Chiến lược sử dụng CNS, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng CNS không nên dàn trải gây tốn kém, hiệu quả thấp. Mỗi ngành công nghiệp, nhóm sản phẩm cần lựa chọn những CNS đặc thù nhất, giúp giải quyết những vấn đề môi trường tiêu biểu, phù hợp xu hướng đổi mới công nghệ của DN.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện KHCN Việt Nam, dự thảo Chiến lược sử dụng CNS nên bổ sung một nhiệm vụ quan trọng là "CNS tạo ra sản phẩm sạch, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong quá trình sử dụng, ít gây ô nhiễm môi trường". Chiến lược cũng cần chú trọng đến ngành chế biến thực phẩm, nông, lâm, thủy, hải sản vì đây là những lĩnh vực đang có rất nhiều vấn đề bất cập về công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Dự thảo Chiến lược sử dụng CNS đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam đạt ít nhất 50% số cơ sở sản xuất sử dụng CNS khi có hoạt động cải tạo, mở rộng sản xuất hoặc thay đổi công nghệ; 100% cơ sở sản xuất sử dụng CNS khi đầu tư mới; 50% sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp là sản phẩm CNS.