Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bằng lái xe cho người khuyết tật: Còn nhiều băn khoăn

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/6, theo Thông tư số 12/2017/TT - BGTVT của Bộ GTVT, người khuyết tật đủ điều kiện sức khỏe sẽ được đăng ký học và thi lấy Giấy phép lái xe (GPLX) ô tô hạng B1.

Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận. Tuy nhiên, qui định này cũng có một số điều khoản khiến không ít người còn băn khoăn trong quá trình thực hiện.

Không phải ai cũng đủ điều kiện

Quy định tại khoản 2, điều 43, Thông tư 12/2017/TT - về đào tạo lái xe ghi rõ: “Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo”. Như vậy, từ ngày 1/6, nhiều người khuyết tật đã có thể được đăng ký học, thi và lấy GPLX như người bình thường.

Từ ngày 1/6, người khuyết tật đủ điều kiện sức khỏe sẽ được đăng ký học và thi lấy GPLX ô tô hạng B1. Ảnh:  Trần Dũng

Tại Phụ lục số 01 “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT - BGTVT đã quy định rõ các tiêu chuẩn về sức khỏe để người khuyết tật có thể đăng ký học và thi lấy GPLX. Cụ thể, những người bị chứng: rối loạn tâm thần (chữa khỏi chưa quá 6 tháng hoặc mãn tính), động kinh, rối loạn cảm giác sâu; suy tim, có chứng khó thở từ độ III trở lên; Song thị, hoặc mù 3 màu (vàng, đỏ, xanh lá); liệt vận động từ 2 chi trở lên, hoặc mất 1 bàn tay (chân) trong khi có 1 chi khác không toàn vẹn hoặc, giảm chức năng... sẽ không đủ điều kiện học, thi lấy GPLX.

Trưởng phòng Phục hồi chức năng - giám định, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lê Tuấn Đồng cho biết, quy định người khuyết tật được đào tạo và tham gia sát hạch GPLX hạng B1 là để bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân. Bộ Y tế, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, tham khảo Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế, cũng như các tiêu chuẩn sức khỏe lái xe của một số nước trên thế giới và trong khu vực... để có tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp. Và để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông thì không phải ai là khuyết tật cũng đủ điều kiện.

Dù vậy, chia sẻ với phóng viên, chị V.B.V (Quảng Ninh) không giấu nổi xúc động: “Tôi chưa rõ qui định cụ thể thế nào nhưng biết tin người khuyết cũng được tham gia thi GPLX quả là rất vui đối với những người như chúng tôi, là cơ hội để những người đủ điều kiện tham gia hòa nhập cộng đồng, được điều khiển ô tô, chủ động đi lại để bớt phiền hà cho người thân”.

Bỡ ngỡ với quy định mới

Mặc dù rất ủng hộ chủ trương tạo điều kiện cho người khuyết tật được sở hữu tấm GPLX, tuy nhiên một số đơn vị đào tạo, sát hạch, cấp GPLX vẫn còn nhiều băn khoăn, thắc mắc. Trưởng phòng Quản lý phương tiện & người lái, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đình Nghĩa đặt vấn đề, để đào tạo, sát hạch đối với người khuyết tật, liệu có cần đến phương tiện, sân bãi, và bài thi riêng, phù hợp với điều kiện sức khỏe của họ; hay cứ áp dụng các điều kiện như với người bình thường?

Các chuyên gia cũng lưu ý, việc cho phép người khuyết tật sở hữu GPLX là nên làm nhưng các khâu kiểm tra sức khỏe, đào tạo, sát hạch... cũng cần có những quy định đặc thù riêng để đảm bảo người khuyết tật đủ năng lực lái xe mà không tiềm ẩn những nguy cơ mất ATGT.

Các đơn vị đào tạo, sát hạch cấp GPLX l cũng tỏ ra lo ngại vì trong Thông tư 12 nêu rõ: Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Nhưng nếu người khuyết tật không có hoặc không thuê, mượn được phương tiện phù hợp thì họ sẽ phải xoay sở ra sao?. Đây là băn khoăn trăn trở của không ít người thực thi pháp luật.

Đại diện một Trung tâm đào tào lái xe tại Hà Nội cho biết, họ chưa có ý định đầu tư phương tiện đặc thù cho học viên là người khuyết tật, vì lo lắng sẽ có ít học viên, không đủ bù đắp chi phí. Lãnh đạo Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng chia sẻ: Nếu người khuyết tật mang xe đến chúng tôi sẽ tổ chức thi cho họ. Về phía Trung tâm, quả thật chúng tôi cũng chưa hình dung ra phải chủ động sắm phương tiện như thế nào cho phù hợp, vì mỗi người lại khuyết tật ở mức độ, hình thức khác nhau.

Để đưa được quy định này vào thực tế, thực hiện tốt và phát huy hiệu quả tối đa cho cả người khuyết tật lẫn cơ quan chức năng sẽ còn nhiều vấn đề cần thời gian để giải quyết thấu đáo.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý phương tiện & người lái, Sở GTVT Hà Nội