Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cáp điện Việt Nam chinh phục thị trường Lào

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn phải nhập siêu từ Lào, trong khi Thái Lan và Trung Quốc đang chiếm lĩnh mạnh mẽ thị trường này.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào năm 2012 ước đạt 866 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm 48,6%, theo báo cáo về thị trường Lào năm 2013 của VICC. Mặc dù xuất khẩu Việt Nam sang Lào đã tăng từ mức xấp xỉ 40% trong các năm 2009 và 2010 lên mức 48,6% vào năm 2012, Việt Nam vẫn ở thế nhập siêu với Lào.

 
Lãnh đạo Công ty CP Cơ điện Trần Phú khảo sát tại một cơ sở sản xuất cáp điện của Lào.
Lãnh đạo Công ty CP Cơ điện Trần Phú khảo sát tại một cơ sở sản xuất cáp điện của Lào.

“Việt Nam và Lào có quan hệ chính trị đặc biệt, có vị trí gần gũi và thị trường Lào còn là tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể nỗ lực xuất khẩu mạnh hơn sang thị trường này, cân bằng cán cân thương mại và chiếm lĩnh thị trường đang bị khuynh đảo bởi Thái Lan và Trung Quốc” - ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện Trần Phú chia sẻ.

Công ty CP Cơ điện Trần Phú là một trong những doanh nghiệp Việt Nam vừa nhận giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” được trao tại Lào vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Từ năm 2000, công ty đã xuất khẩu bán thành phẩm đồng và nhôm cho các nhà sản xuất dây điện ở Lào với tổng doanh thu lên tới hơn 10 triệu USD.

“Trần Phú đã xuất khẩu hơn 3.500 tấn lõi đồng và nhôm trong dây điện cho Lào nhưng  tôi cho rằng con số này chưa phản ánh đúng tiềm năng thị trường. Trần Phú đang đẩy mạnh nỗ lực xuất khẩu thành phẩm dây điện mang thương hiệu công ty sang Lào. Tôi cho rằng thị trường Lào rất mở đối với doanh nghiệp cơ điện Việt Nam bởi Lào có ưu thế đặc biệt về thuỷ điện và vẫn đang là nước xuất khẩu điện” - ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.

Thị trường nhập khẩu Lào không lớn, nhưng GDP bình quân đầu người của Lào đã tăng liên tục trong những năm gần đây, lần lượt ở các mức 2.500 USD vào năm 2010, 2.700 USD vào năm 2011, và 3.000 USD vào năm 2012. Tháng 1/2009, Việt Nam và Lào đã ký thoả thuận về thuế suất ưu đãi nhập khẩu Việt - Lào, theo đó tiếp tục giảm thuế từ 0% - 50% các sản phẩm có xuất xứ từ hai nước.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, nếu các doanh nghiệp có thương hiệu tại Việt Nam nỗ lực hơn trong việc gia nhập thị trường Lào, chắc chắn cán cân thương mại Việt - Lào sẽ cân bằng trong thời gian tới. “Trong suốt gần 2 thập kỷ qua, Công ty CP Cơ điện Trần Phú đã có sản phẩm dây điện dẫn đầu khu vực phía Bắc, vì vậy chúng tôi tin sẽ có thị phần khả quan tại Lào. Không có lý gì Việt Nam lại vẫn nhập siêu với một quốc gia láng giềng có tiềm năng thị trường mở rộng như Lào” – ông Dũng chia sẻ.

Trần Phú là một trong 500 doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu Việt Nam theo bình chọn của VNR500. Công ty đoạt Cúp vàng châu Âu về chất lượng năm 2006 nhờ sản phẩm dây điện màu vàng đặc trưng sản xuất tại địa chỉ 41 Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong thời gian gần đây, Trần Phú bị cạnh tranh bởi một doanh nghiệp cùng thương hiệu nhưng vẫn mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Bắc và nỗ lực mở rộng hơn nữa ra các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar…