Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Câu chuyện nhà tiên phong “Make in Vietnam” của Cốc Cốc

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ giữa năm 2019, cụm từ “Make in Vietnam” - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất - bắt đầu vang lên mạnh mẽ trên các diễn đàn về công nghệ trong nước. Tuy nhiên, ít người biết rằng, từ nhiều năm trước, có một doanh nghiệp công nghệ mang tên Cốc Cốc đã tiên phong khai phá lối đi này và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Trình duyệt web Cốc Cốc tích hợp nhiều tính năng tiện lợi cho người Việt

Bản lĩnh của người tiên phong
Ra mắt vào tháng 5/2013 bởi 3 lập trình viên người Việt, Cốc Cốc có thể coi là công cụ tìm kiếm, trình duyệt “thuần Việt” khi tập trung phát triển khả năng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, tối ưu kết quả tìm kiếm phù hợp với nhu cầu người Việt. Bên cạnh đó, công cụ chú trọng các tính năng được phát triển riêng cho thị trường Việt Nam, như phiên dịch Anh-Việt, chuyển đổi ngoại tệ...
Vào thời điểm ra mắt, Cốc Cốc gần như không nhận được sự tin tưởng của giới chuyên môn. Một phần bởi những định kiến về các sản phẩm công nghệ Việt Nam, phần khác, thị trường các trình duyệt tìm kiếm thời điểm đó gần như bị các “ông lớn” đình đám quốc tế chiếm lĩnh. Thế nhưng, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, doanh nghiệp Việt này đã nhanh chóng có những bước tiến đáng chú ý.
Chỉ một năm sau ngày ra mắt, Cốc Cốc trở thành trình duyệt phổ biến thứ 2 tại Việt Nam - điều mà trước đó không ai nghĩ đến. Hiện nay, với 24 triệu lượt người dùng hàng tháng, Cốc Cốc nắm giữ 19,3% thị trường Việt, vượt qua nhiều trình duyệt đình đám khác và được đánh giá là đang trên đà đạt “ngôi vương” tại Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng đã mở rộng và phát triển trình duyệt trên nền tảng mobile với đầy đủ các tính năng để phục vụ cho thị hiếu người tiêu dùng dần dần chuyển sang lướt mạng qua điện thoại.
Cốc Cốc phát triển trình duyệt phiên bản phù hợp với điện thoại.

Theo các chuyên gia công nghệ, sự thành công của Cốc Cốc có thể lý giải bằng 3 yếu tố: Tối ưu hóa để việc sử dụng internet với người Việt dễ dàng hơn; nhận được sự hỗ trợ lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài; tận dụng tối đa các chính sách của Chính phủ.
Cốc Cốc đã giúp việc sử dụng internet trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết nhờ các tính năng ưu việt: Tải file tốc độ cao, mua sắm trực tuyến thông minh, tự động thêm dấu khi viết tiếng Việt, kiểm tra chính tả, tin tức tổng hợp theo sở thích, lọc quảng cáo gây phiền nhiễu…
Ngoài ra, sự nỗ lực của Chính phủ với những chính sách quyết đoán cũng đã giúp cho các doanh nghiệp CNTT như Cốc Cốc tìm được những cơ hội cho riêng mình. Nhờ những yếu tố này, con đường đi đến vị trí số 1 về trình duyệt tại Việt Nam của Cốc Cốc đang thực sự rộng mở.
Tin vào “Make in Vietnam”
Khi khái niệm “Make in Vietnam” vượt qua phạm vi của các hội nghị, trở thành một thông điệp tràn đầy nhiệt huyết được lan tỏa rộng rãi, câu chuyện về chặng đường 6 năm của Cốc Cốc có thể trở thành một niềm cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều Startup Việt.
Trên thực tế, để đạt được thành công ngày hôm nay, những nhà tiên phong như Cốc Cốc đã phải trải qua một chặng đường không hề dễ dàng. “Khi mới thành lập, Cốc Cốc cũng như các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam phải chịu vô vàn sức ép: từ sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp nước ngoài, từ xu hướng công nghệ luôn cập nhật, từ nhân lực, nguồn vốn… Điều căn bản là phải hiểu được thế mạnh của bản thân mình, hiểu được thị trường và kiên trì theo đuổi con đường đó” - bà Đào Thu Phương - Giám đốc điều hành Cốc Cốc chia sẻ.
Bà Đào Thu Phương - Giám đốc điều hành Cốc Cốc

Cũng theo bà Phương, để có được những sản phẩm dành cho người Việt, làm tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất là chặng đường cần nhiều nỗ lực nhưng hãy tin vào “Make in Vietnam” bởi đó hoàn toàn không phải là mơ ước xa vời.
Tin vào “Make in Vietnam” cũng là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của việc phát triển doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt.
Báo cáo Hệ sinh thái số của Bộ Thông tin và Truyền thông  công bố cuối năm 2018 cũng cho thấy, định hướng phát triển trình duyệt tại Việt nam là ưu tiên thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các trình duyệt đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng; đưa trình duyệt Việt dễ dàng tiếp cận với người dùng Việt.
Tất cả những yếu tố này tạo nên một tương lai rộng mở cho các doanh nghiệp công nghệ Việt để viết nên câu chuyện “Make in Vietnam” mà những doanh nghiệp tiên phong như Cốc Cốc đã làm suốt 6 năm qua.