Đây là những bức ảnh chân thực mà không dàn dựng, có cả nỗi đau và sự lạc quan, hi sinh mà khí phách, là những khoảnh khắc không thể nào quên về chiến thắng của dân tộc ta.
Ký ức của nhà báo mặc áo lính
Là phóng viên thời sự lớp thế hệ thứ hai của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Đinh Quang Thành đã có cơ hội may mắn được đặc cách đi theo chiến dịch, chứng kiến chiến thắng mùa xuân năm 1975. Ông là người đã bám sát những bước thần tốc của các chiến sĩ, ghi lại hàng ngàn tư liệu lịch sử quý giá về chiến dịch, trải dài theo con đường từ Bắc vào Nam, đến tận sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc Lập.
Tháng 3/1975, nhận lệnh đi chiến dịch, ông chỉ vội vàng tạm biệt vợ con ngay tại cơ quan, khoác ba lô lên đường với chiếc máy ảnh trên vai và cây bút. Ký ức về miền Bắc những ngày tháng kiên cường trong chiến tranh phá hoại của giặc, tin chiến trận từ chiến trường miền Nam thúc giục ông lên đường.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành xúc động kể lại rằng: "Ngày 26/3/1975, khi đang công tác tại Hải Phòng, nhận được thông báo từ cơ quan, tôi gấp rút trở về Hà Nội. Về tới nơi, ba lô, quần áo, súng ống và các dụng cụ tác nghiệp đều đã chuẩn bị trước, xe ô tô chờ sẵn đợi giờ xuất phát. Không có nhiều thời gian, tôi chỉ kịp thông báo với vợ mang hai đứa con sinh đôi khi đó mới hơn 5 tuổi đến để gặp giây lát trước khi lên đường. Vì chiến tuyến đang sôi sục, tôi chỉ kịp dặn dò vợ, ôm 2 con vào lòng trong vài giây ngắn ngủi, chẳng kịp để vợ lưu luyến, bịn rịn. Thời khắc đó, con người ta không thể nghĩ suy nhiều thứ quá bởi không khí đất nước, chiến tranh đang vô cùng khẩn trương...".
Nhập vào các đoàn quân hành quân thần tốc dọc đường số 1, vượt Quảng Trị vào Huế giải phóng theo xe tăng của quân đoàn 2, tiến vào giải phóng Đà Nẵng, hướng theo tiếng súng của quân dân ta giải phóng các tỉnh miền Trung rồi xốc tới, nhà báo Đinh Quang Thành có mặt tại sân bay Thành Sơn. Ông đã kịp ghi lại những hình ảnh quân ta đập tan phòng tuyến Phan Rang, xóa sổ quân đoàn 3 của ngụy, rồi tiến vào Phan Thiết, Hàm Tân, cùng đồng nghiệp mắc dây ăng- ten giữa thị xã Xuân Lộc đổ nát để phát tin chiến thắng về Hà Nội.
Trong ký ức của ông vẫn mồn một hiện rõ những ngày mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ hướng Đông Bắc, lúc 18 giờ ngày 26/4/1975, băng theo các chiến sĩ xung kích của quân đoàn 2, có xe tăng yểm trợ tiến công vào căn cứ Nước Trong. Từ ngã ba Dầu Dây, ông được xung vào binh đoàn thọc sâu của quân đoàn 2 gồm Lữ đoàn tăng 203 và Trung đoàn 66 anh hùng của sư đoàn 304 hành tiến trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975.
Trong triển lãm, chúng ta có thể gặp lại những bức ảnh đã rất nổi tiếng của ông như “Quân đoàn ba truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất”. Ông vẫn thường bảo rằng mình là người may mắn khi trực tiếp chứng kiến giải phóng Sài Gòn, nhờ đó mà ông lưu giữ được những khoảnh khắc ý nghĩa. Mặc dù không chụp được bức ảnh treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, song ông đã chớp được khoảnh khắc các chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cho đến hôm nay, đây vẫn là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc quan trọng ấy. Đó cũng chính là tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong phóng sự “Giải phóng Sài Gòn” của ông.
Ở tuổi 81, tự nhận mình thuộc lớp người cũ, là người lính già trên mặt trận thông tin, ông đã tặng toàn bộ ảnh của cuộc triễn lãm cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam để phục vụ lâu dài cho công tác tuyên truyền, làm giàu thêm cảm nhận cho phụ nữ về cuộc chiến tranh vệ quốc dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Cho thế hệ hôm nay…
Tình cờ có cơ duyên gặp nhà báo, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cách đây 27 năm, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Khi đó tôi mới bước chân làm nghề bảo tàng và may mắn trở thành học trò của thầy. Thầy đã cho tôi kiến thức về nhiếp ảnh trong suốt hơn một phần tư thế kỷ, theo tôi trong suốt công việc về nghề bảo tàng và công việc tại bảo tàng phụ nữ Việt Nam”.
Sau ngần ấy thời gian, bà lại tình cờ gặp lại người thầy năm xưa trong một triển lãm ảnh nghệ thuật. Lúc ấy bà mới biết được nhà báo Đinh Công Thành có một bộ ảnh vô giá về những ngày chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Bà nghe từng câu chuyện ông kể về một ký ức không phai nhòa và nhanh chóng đưa ra quyết định tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Mỗi bức ảnh quý giá mà ông chụp trên đường ra chiến dịch đều ghi lại thời khắc hào hùng của dân tộc. Tôi hiểu rằng, những bức ảnh ấy sẽ sống mãi với lịch sử, với dân tộc Việt Nam. Gần nửa thế kỷ trôi qua. Những hình ảnh ông ghi lại sẽ mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sinh ra trong hòa bình” - bà Bích Vân tâm sự.
Gần tuổi 80, cùng thế hệ nhà báo Đinh Công Thành, ông Đặng Hữu Xướng xúc động: “Tôi cũng được biết đến sự kiện lịch sử này nhưng không có cơ hội để trực tiếp chứng kiến. Hiếm người ghi lại những bức ảnh lịch sử quý giá như vậy. Đây là cơ hội để tất cả mọi người nhìn lại quá khứ, ôn lại lịch sử, thêm trân trọng những gì chúng ta đang có hôm nay”.
Gần 100 bức ảnh được nhà báo Đinh Quang Thành chụp lại dọc con đường hành quân của ông vào chiến trường đã tạo ra cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa lớp người đi trước với lớp trẻ hôm nay và mai sau. Những ngày tháng trên mặt trận thông tin tuyên truyền đầy hiểm nguy vất vả nhưng ông luôn tự hào mình là người lính không cầm súng nhưng vũ khí là máy ảnh theo người.
Những bức ảnh của nhà báo – nghệ sĩ Đinh Công thành đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao bằng bảo trợ tác giả. Ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hy vọng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Công Thành sẽ có nhiều cuộc triển làm tiếp theo: “Trong tư liệu của nhà báo Đinh Công Thành có rất nhiều ảnh quý mà Hội nghệ sĩ đang rất cần để dự trữ lâu dài. Đó không chỉ là tư liệu quý của cá nhân mà còn là của chung của cả đất nước”.
Những bức ảnh của nghệ sĩ, nhà báo Đinh Công thành sẽ được tiếp tục trưng bày trong triển lãm “Đường xuân chiến dịch 1975” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến hết ngày 25/5/2015.
Nhiều người hào hứng xem những giây phút giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong những bức ảnh của nhà báo Đinh Công Thành.
|
Nhà báo Đinh Công Thành tặng bức ảnh kỷ niệm cho Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Trung đoàn Phó, Trung đoàn 66, đơn vị trực tiếp đánh vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao bằng bảo trợ cho nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Công Thành tại buổi triển lãm.
|
Các chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Công Thành luôn tâm đắc lời giảng của thầy giáo của mình: “Nếu anh muốn tấm ảnh của anh làm rung động lòng người, thì trước hết anh hãy rỏ vào đó những giọt mồ hôi, thậm chí là cả những giọt máu của mình nữa” “Tôi chỉ nghĩ đến độc giả. Tôi nghĩ tới hàng triệu người đọc báo ngày hôm sau và mãi sau này nữa. Tôi không nghĩ tới gia đình và càng không có thì giờ nghĩ tới cái chết” – nhà báo Đinh Công Thành chia sẻ. |
Nhiều người biết thích thú xem từng chi tiết nhỏ trong bức ảnh của nhà báo Đinh Công Thành.
|