Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những chính sách để khai thác nguồn vốn ĐTNN cho phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả mong muốn.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang phải nhập hầu hết các linh kiện từ nước khác để phục vụ sản xuất. Trong ảnh: Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic.Ảnh: Thanh Hải
Chính sách chưa phát huy hiệu quả
Dù chuyện phát triển CNHT ở Việt Nam đã được thảo đi bàn lại, nhiều văn bản, chính sách được ban hành để thúc đẩy ngành phát triển nhưng TS Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN CNHT (Bộ Công Thương) cho rằng, những chính sách này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là DN nhỏ và vừa. Bất chấp việc CNHT đang là lĩnh vực ưu tiên phát triển nhằm đưa Việt Nam thành nước CNH vào năm 2020, ông Hoàng Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH 4P chuyên sản xuất vi mạch điện tử nhận xét, CNHT vẫn dậm chân tại chỗ, kể cả những chi tiết đơn giản đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng rất khó tìm thấy ở Việt Nam. Hiện DN nước ngoài hoạt động tại nước ta vẫn đang phải nhập tới 97% linh kiện từ các nước khác phục vụ sản xuất, do đó ngày càng e ngại đầu tư. Họ đến Việt Nam thường phải kéo theo DN chuyên cung cấp linh kiện của mình.
Dẫn chứng tại Công ty Canon (Nhật Bản), dù rất muốn mua từ DN Việt Nam một cái ốc vít dùng cho lắp ráp sản phẩm nhưng không thể tìm được. Việc cung cấp vi mạch điện tử cho Canon phần lớn do DN Nhật Bản đảm nhiệm. "Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại nước ta với mục đích đầu tư lâu dài, song nếu CNHT mãi không đáp ứng được nhu cầu của họ thì làn sóng đầu tư sẽ dần chuyển sang nước khác. Khi đó Việt Nam mất đi cơ hội phát triển CN bền vững, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo số lao động dôi dư rất lớn, càng khó khăn trong đảm bảo an sinh xã hội…", ông Trí nhấn mạnh.
Chú trọng hỗ trợ DN đào tạo nhân lực và tiếp cận vốn
"Chúng ta đang trong thời đại kinh tế toàn cầu thực sự, mỗi quốc gia, tỉnh, thành đều đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh để mời chào FDI. Bởi vậy, Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh trong việc mời chào FDI nhằm giữ vững và phát triển quan hệ kinh tế với các nước Đông Á. Trong đó, DN Nhật Bản mong chờ sự cam kết mạnh mẽ từ Nhà nước giúp tạo điều kiện cho họ sản xuất tại Việt Nam, bằng việc đưa ra chính sách CN phù hợp", ông Hiro Yamaoka - Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội thẳng thắn nhận định.
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long.Ảnh: Hải Linh
Sau hơn một năm cùng nhóm tình nguyện viên Nhật Bản tiến hành tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại các DN CNHT Việt Nam, ông Junichi Furukawa - tình nguyện viên cấp cao JICA nhận xét: Cán bộ tại nhiều DN Việt Nam còn rất thiếu trình độ quản lý, việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ cũng chưa được DN chú trọng. Công nghệ lạc hậu, song dù DN muốn đầu tư đổi mới thiết bị thì cũng thiếu vốn do lãi suất vay ngân hàng quá cao. Bên cạnh đó, nhiều DN nói đã được cấp chứng chỉ quản lý chất lượng ISO, nhưng đó chỉ là hình thức, vì nhiều DN không hiểu bản chất ISO là gì nên không thực hành được.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, dù Việt Nam đang nỗ lực chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, song công tác đào tạo nhân lực và chính sách hỗ trợ cho vay vốn chưa chuyển biến tích cực đang là hai rào cản lớn nhất để phát triển CNHT. "Chỉ khi Việt Nam thực hiện hiệu quả đồng thời các công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ DN vay vốn thì mới thực sự tạo được bước chuyển trong CNHT. Muốn vậy, rất cần liên kết chặt chẽ giữa các ngành hữu quan như lao động - thương binh & xã hội, công thương, tài chính, giáo dục & đào tạo… để hỗ trợ tổng thể cho DN nhỏ và vừa", ông Junichi khẳng định. Rõ ràng, đã đến lúc cần đầu tư nhiều hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho ngành CNHT phát triển, nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút vốn, công nghệ của các DN FDI.
"Dù đến đầu năm 2013 đã có 317 DN Nhật Bản được cấp phép đầu tư tại Việt Nam nhưng tại đây, họ rất khó tìm mua các phụ tùng linh kiện, vật liệu thép tấm, sơn, hóa chất do DN Việt Nam sản xuất. Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam mới đạt 28%, trong khi ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53% và Trung Quốc 61%." - Ông Hiro Yamaoka Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội
|