Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chậm đối phó với biến đổi khí hậu sẽ phải trả giá đắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/9, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc (LHQ) về khí hậu đã diễn ra tại New York (Mỹ) với sự tham dự của đại diện đến từ gần 200 quốc gia và các tổ chức trên thế giới.

Trọng tâm của hội nghị lớn nhất từ trước tới nay về môi trường là thông qua các giải pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như các thách thức đối với an ninh, ổn định tại các khu vực và trên toàn thế giới. Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi những cam kết toàn cầu và ý chí chính trị cần thiết để có thể đạt được một thỏa thuận pháp lý toàn cầu vào năm tới tại Paris (Pháp) và đưa ra những bước đi cần thiết nhằm giảm thiểu khí thải hiệu ứng nhà kính. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, hành động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu là hết sức cấp bách và sự trì hoãn sẽ phải trả giá bằng mạng sống và sự tốn kém.

Một ngày trước khi hội nghị diễn ra, khoảng 600.000 người ở khắp nơi trên thế giới đã xuống đường tuần hành với thông điệp thống nhất: kêu gọi thế giới hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu, thực hiện những cam kết nghiêm túc về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây được xem là sự kiện toàn cầu kêu gọi chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử. Các nhà tổ chức cho biết, khoảng 270.000 người khác đã tham gia 2.500 sự kiện diễn ra tại 166 quốc gia trên thế giới hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ trái đất. Bởi theo các nghiên cứu khoa học, với tốc độ thải khí CO2 hiện nay, phần "hạn ngạch" còn được phép sử dụng trước khi Trái đất nóng thêm 2oC sẽ cạn kiệt trong khoảng 30 năm nữa.

Hiện chưa rõ hội nghị có đạt được các mục tiêu đề ra hay không nhưng có một điều chắc chắn là nếu các quốc gia không cùng hợp tác để giảm 7% lượng khí thải CO2 trong một năm thì thế giới khó có thể an toàn trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.