Theo Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, sau tai nạn của 3 SV Đại học Ngoại thương khi tham gia hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh cho thấy, hoạt động SVTN phải được tổ chức chu đáo hơn, từ khâu khảo sát địa bàn nơi đến, hành trình cụ thể của tình nguyện viên (TNV), kết hợp với những thông tin cập nhật về thời tiết. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa SVTN và các đoàn viên, thanh niên địa phương, nhất là khi nơi đến là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, rừng núi sông suối hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho SVTN. "Điều cần lưu tâm là phải có sự trang bị kỹ năng sống tốt hơn nữa cho các SVTN. Không chỉ cần có sức khỏe, các TNV còn cần có ý thức tổ chức kỷ luật tốt và ý thức về đảm bảo an toàn cho bản thân. Cần chấn chỉnh, siết chặt hơn công tác tổ chức cho SVTN" - Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn nêu. Hiện, các địa phương có số lượng SVTN đông đang tổ chức chấn chỉnh về công tác đảm bảo an toàn nhằm tuyệt đối không để xảy ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến sinh mạng của TNV. Tuy nhiên, để hoạt động tình nguyện lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống xã hội, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể đối với người làm tình nguyện. Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia Vũ Minh Lý chia sẻ, T.Ư Đoàn luôn yêu cầu các Đoàn trường, cơ sở phải đặt yếu tố an toàn của TNV lên hàng đầu, phải tiến hành khảo sát, tiền trạm kỹ lưỡng để lên kế hoạch tình nguyện. Ngoài ra, các đội, nhóm, CLB tình nguyện khi hoạt động cần liên hệ trước với Đoàn thanh niên địa phương. Đi lại cần có người dẫn đường để an toàn, hiệu quả hơn, nhất là các khu vực có địa hình phức tạp. Đồng thời, các đơn vị, trường học tổ chức hoạt động tình nguyện cần tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho thanh niên tình nguyện. Trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện, đôi khi có những rủi ro xảy ra với TNV, nên cần có những chính sách, chế độ về y tế, sức khỏe... Đồng thời, cần có cơ chế quản lý các hoạt động tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn, bền vững hơn... Đồng ý kiến trên, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Trung Hải cho hay, trước mỗi mùa tình nguyện, Đoàn trường đều lên kế hoạch báo cáo lãnh đạo nhà trường, khảo sát địa điểm, đi tiền trạm, xin tài trợ, tuyển TNV, gửi công văn cho địa phương nơi đoàn đến, mua bảo hiểm cho các em rồi mới lên đường. TNV được tuyển là người đủ sức khỏe, có tinh thần, trách nhiệm cao, nhiều kinh nghiệm, có ý thức tự bảo vệ an toàn cho mình... Cùng với đó, phải trải qua ít nhất 2 - 4 buổi tập huấn, có nhân viên y tế hướng dẫn thao tác cứu hộ khi gặp sự cố. Các SV được truyền thông về những sự cố dọc đường như đuối nước, mưa lũ, sạt lở, lũ quét. Tất nhiên, Đoàn trường cũng có những chính sách cụ thể, thích đáng, tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với những SV tham gia hoạt động tình nguyện. Nhiều ý kiến khác cho rằng, với hoạt động tình nguyện trong thời gian ngắn, có thể SV không giúp được nhiều cho địa phương, nhưng quan trọng là hoạt động này khơi gợi mong muốn góp sức cho cộng đồng của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cũng có quan điểm đặt ra, nên xem xét lại các hoạt động tình nguyện theo tính phổ thông hiện nay đã thực sự phù hợp với đối tượng là SV các trường ĐH hay chưa.