Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chặn tận gốc sở hữu chéo

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng gần thời điểm 1/1/2018, thị trường tài chính càng hồi hộp trước việc các đại gia tại Việt Nam sẽ chọn ngân hàng hay các tập đoàn tư nhân để đứng danh bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một người không được kiêm nhiệm chức danh ở cả hai pháp nhân trên.

Thời điểm nhạy cảm chọn đi hay ở
Mới đây, Chủ tịch HĐQT TPBank kiêm Chủ tịch DOJI Đỗ Minh Phú cho biết đã quyết định sẽ chỉ giữ một ghế cao nhất là Chủ tịch tại TPBank. Trước đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết khả năng sẽ thôi chức Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh TPBank. Ảnh:  Việt Linh

Hàng loạt đại gia trong “tầm ngắm” của thị trường như ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T, bà Thái Hương - Chủ tịch TH TrueMilk đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Bắc Á, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco đồng thời là Chủ tịch ABBank… cũng sẽ phải cân não lựa chọn một trong hai vị trí lãnh đạo chủ chốt tại ngân hàng hoặc DN nơi mình làm chủ. Theo ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, Luật có hiệu lực từ đầu năm 2018 nhưng để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của DN lẫn ngân hàng thì trong nhiệm kỳ hiện tại, chủ DN có thể vẫn làm lãnh đạo ngân hàng, nhưng hết nhiệm kỳ thì phải lựa chọn đi hay ở.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, không thể có ngoài luật, giống như về hưu đúng tuổi chứ không thể chờ hết nhiệm kỳ. “Do đó, phải tổ chức đại hội bất thường, chuẩn bị quá độ. Phải có chế tài rõ ràng, thời gian rõ ràng cộng với kiểm soát nghiêm” - TS Nguyễn Minh Phong thẳng thắn nêu quan điểm.

Kiểm soát sở hữu chéo hiệu quả

Quy định của NHNN nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, mà nói cụ thể hơn là quan hệ thân hữu của hệ thống DN – ngân hàng có thể tác động đến hoạt động của hai chủ thể này. Hệ quả của mối quan hệ lòng vòng này là vốn được tài trợ dễ dãi và có thể dẫn tới nợ xấu. Một hệ lụy nguy hại khác là tạo ra tình trạng bất công giữa các nhà đầu tư. Chủ trương của NHNN hiện nay là hạn chế các ngân hàng trả cổ tức cao, mà dùng lãi để nâng cao năng lực tài chính, song cổ đông lớn của ngân hàng có thể dùng quyền lực mềm để ép ngân hàng cho các công ty có liên quan vay vốn, thậm chí vay rất lớn. Đây chính là một cách để cổ đông rút bớt vốn khỏi ngân hàng và tiếp tay cho các hành vi “kinh doanh cánh hẩu”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Fulbright nhận xét, nếu không có công cụ nhận diện và cơ chế kiểm soát sở hữu chéo hiệu quả, đồng thời thiếu sự minh bạch của thị trường tài chính và bất động sản, thì sẽ rất khó "trị" sở hữu chéo. Thực tế sở hữu chéo không đơn giản và lộ liễu như ngân hàng nọ đầu tư vào ngân hàng kia mà đó là các liên kết sở hữu gián tiếp thông qua nhiều chủ thể trung gian, thậm chí thay quan hệ sở hữu thành quan hệ tài trợ.

Không chỉ xóa bỏ tình trạng nhiều vai của các chủ nhà băng, điều quan trọng hơn, theo quan điểm của giới phân tích, NHNN cần mở rộng đến cả nhóm người có liên quan tới các nhân vật này như con cháu, chồng vợ, anh chị em… TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, muốn quản lý phải rà soát kỹ. Thứ nhất, cần phải tìm ra người chủ đích thực không cho phép ẩn. Thứ hai là phải đưa ra các tiêu chí quản lý chặt chẽ ngân hàng hơn, không cho vay tập trung vào đâu đó bao nhiêu phần trăm để dù ông có là chủ ngân hàng thì cũng không cho chính DN mình vay nhiều được. Ví dụ ACB trước đây cho vay tới 80 - 90% với các đối tượng thân hữu. Giờ cần quy định phần trăm tỷ lệ 1 đối tượng hoặc 1 dự án không được vay. Cộng với đó là chế tài, nếu vi phạm thậm chí sẽ rút phép quyền đứng chủ của anh, rút quyền sở hữu và phải phạt tài chính rất nặng. Thứ ba nữa là thông tin minh bạch, tất cả các hoạt động vay phải thông tin trên mạng, thậm chí phải có người giám sát mà ở đây chính là các đối thủ của họ giám sát.

Các thông lệ an toàn tài chính cũng như quy định ở Việt Nam không cho phép ngân hàng cho vay một khách hàng quá nhiều để hạn chế rủi ro đặc thù và cũng là để giảm nguy cơ ngân hàng phải chạy theo khách lớn. Tuy nhiên chừng nào chưa diệt được gốc sở hữu chéo hoặc việc thực thi giám sát an toàn tài chính lỏng lẻo thì những quy định như vậy thường bị vô hiệu hóa. Mà như thế, việc có đứng tên hay không trong vai trò các chủ tịch nhà băng, điều đó cũng không quá quan trọng.

TS Nguyễn Minh Phong