Khuyết tật tay chân, không khuyết ý chí
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phùng Văn Trường tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội vào một ngày cuối tuần. Văng vẳng tiếng trẻ con ê a đọc bài khiến cho không gian của làng quê trở nên thân thương. Với đôi tay co quắp, run rẩy, anh Trường đang cố gắng lật từng trang sách giảng bài cho các em nhỏ.
Phùng Văn Trường sinh năm 1979, là con lớn trong một gia đình có 5 anh em. Khi mới sinh ra anh cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng gần 2 tuổi vẫn chưa biết đi. Bác Phùng Văn Mười, bố anh Trường, cho biết: “Bác sĩ chẩn đoán Trường bị chứng liệt gân và cơ không phát triển. Gia đình đã cố gắng chạy vạy khắp nơi và đã đưa Trường đi Bệnh viện 103 mổ 2 lần. Ban đầu Trường chống nạng đi lại được nên gắng gượng học hết lớp 8. Sau đó, sức khỏe em yếu dần không thể đi lại được nữa nên đành thôi học”.
Sau nửa năm viết chữ bằng miệng, chữ viết của anh Trường đẹp dần lên
|
Trước đây, Phùng Văn Trường có thể cầm bút viết nhưng nét chữ nguệch ngoạc. Từ khi không thể đến trường, Trường ở nhà phụ giúp bố mẹ trông cửa hàng. Đôi lúc có khách mua chịu phải ghi chép lại để khỏi bị quên. Với đôi tay ngày một co quắp, không thể cầm bút viết, chân thì bị liệt nên Trường nảy ra ý định tập viết bằng miệng. Anh Trường chia sẻ: “Thời gian đầu tập viết rất khó khăn bởi không cẩn thận bút chọc sâu vào miệng đau đơn và gây buồn nôn. Sau quen dần tôi có thể giữ bút bằng răng để viết”.
Thấy mấy đứa cháu con của người em gái học kém, Trường đã kèm các cháu học thêm ở nhà. Mấy đứa cháu anh lại rủ thêm bạn đến nhà học cho vui. Một số phụ huynh thấy vậy cũng đến nhờ anh kèm cặp. Vậy là lớp học đông dần. Mỗi lần dạy các cháu học anh thường xuyên nhắc nhở các cháu phải viết chữ sao cho thật đẹp, cẩn thận. Nhưng anh nghĩ, bản thân không viết đẹp làm sao dạy được các cháu. Vậy là từ việc viết được chữ, anh Trường lại một lần nữa hạ quyết tâm rèn chữ viết sao cho thật đẹp. Khổ công rèn luyện trong vòng nửa năm, chữ viết của anh đẹp dần, giờ ai nhìn cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Lớp học gieo mầm quyết tâm
Lớp học của Phùng Văn Trường không có phấn trắng bảng đen mà chỉ có mấy quyển sách giáo khoa đã long bìa. Thứ giá trị nhất trong lớp học nhỏ bé ấy là bảng mẫu chữ cái được ép nhựa plastic treo trên trường do các thầy cô giáo trong trường làng đem tặng. Các cháu theo học lớp anh từ lớp 1 đến lớp 5, thậm chí có cả cháu đang học lớp mẫu giáo lớn. Những cháu nhỏ được anh rèn chữ, cháu lớn anh dạy thêm toán. Có cháu lực học kém sau một thời gian theo học lớp anh đã nắm vững kiến thức cơ bản và vươn lên đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Chị Dương Thị Hoa, phụ huynh của cháu Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Anh Trường không những viết chữ đẹp mà còn dạy toán rất tốt. Anh ấy cũng là người kỹ tính. Nhờ anh mà cháu nhà tôi tiến bộ, tôi mang ít hoa quả hay gạo sang cảm ơn nhưng anh ấy nhất định không nhận. Gần đây anh Trường mới có con nhỏ, cuộc sống khó khăn hơn, chúng tôi bảo nhau gửi anh ấy chút tiền điện. Anh nhận một cách miễn cưỡng nhưng chúng tôi đưa nhiều hơn một chút thì anh ấy không nhận”.
Là con lớn trong gia đình nhưng lại bị tật nguyền, trong anh luôn day dứt việc làm tròn chữ hiếu. Năm 2012, qua mai mối, anh Trường kết hôn với chị Ngô Thị Hường. Mối lương duyên này ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn bởi sự phản đối gay gắt của gia đình nhà vợ. Nhưng chị Hường đã dũng cảm thuyết phục gia đình bằng tình yêu chân thành của mình. “Tôi chỉ cần một người thương và trọng tôi, thế là quá đủ”, anh Trường chia sẻ. Tình yêu của anh chị đã đâm hoa kết trái khi đứa con trai đầu lòng là Phùng Thiên Trường Quảng ra đời khỏe mạnh.
Nhờ có con, nghị lực sống của anh càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Anh chỉ mong sao sức khỏe ổn định để có thể làm việc nuôi dưỡng bé Quảng nên người. Hiện mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và 700.000 đồng tiền trợ cấp hằng tháng của anh.