Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ IX Hội Nông dân TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2018 - 2023): Động lực giúp nông dân làm giàu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) hiện đạt hơn 500 tỷ đồng, Hà Nội là địa phương có nguồn vốn lớn nhất, với số lượng hội viên, nông dân được hưởng lợi nhiều nhất cả nước.

 Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê
Quỹ HTND đã trở thành nguồn động lực quan trọng giúp nông dân làm giàu, từ đó góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững của TP.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê đã có cuộc trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị về các hoạt động hỗ trợ nông dân nhân dịp Đại hội đại biểu lần thứ IX Hội Nông dân TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2018 - 2023).

Hơn 46.500 nông dân được vay vốn

Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Quỹ HTND trong thời gian qua?

- Thời gian qua, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, các cấp Hội Nông dân TP còn tập trung vào việc xây dựng, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND. Tính đến hết năm 2017, quy mô nguồn Quỹ HTND toàn TP đạt hơn 513,7 tỷ đồng. Trong đó, cấp TP quản lý hơn 452 tỷ đồng, còn lại là cấp huyện, thị xã và cơ sở.
Chỉ tính riêng 5 năm (2013 – 2017), nguồn Quỹ HTND TP đã giải ngân hơn 577,2 tỷ đồng cho 46.577 lượt hội viên, ND được vay vốn. Hiệu quả hoạt động Quỹ HTND đã góp phần đáng kể tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho ND; gắn kết ND với tổ chức Hội, từ đó vai trò, vị thế của Hội ngày càng được nâng lên.
Trong bối cảnh nhu cầu vốn sản xuất ngày càng tăng, Hội đã triển khai các hoạt động gì để tăng trưởng nguồn Quỹ HTND?

- Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng Quỹ HTND. Đến nay, 100% Quỹ HTND cấp huyện đã được bổ sung nguồn vốn ngân sách cấp huyện, trong đó 11 huyện có quy mô Quỹ HTND đạt trên 1 tỷ đồng, tiêu biểu như Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai…
 Ban Quỹ Hỗ trợ Nông dân TP giải ngân cho các hội viên nông dân xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ vay vốn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đến hết năm 2017, đã có 2.037 tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập, 59.146 thành viên với dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng (tăng 150% so với năm 2013); Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT giải ngân gần 1.400 tỷ đồng cho 25.420 hộ vay vốn (tăng 300% so với năm 2013).

Sáng nay (11/9), Đại hội Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018 - 2023) chính thức khai mạc, với sự tham dự của 345 đại biểu đại diện cho hơn 46 vạn hội viên nông dân TP. Chiều 11/9 và sáng 12/9, Đại hội sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hà Nội khóa IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018; bầu các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân toàn quốc lần thứ IX. Đồng thời, biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Nhiệm kỳ 2018 - 2023...

Tạo niềm tin cho hội viên

Có thể khẳng định, Quỹ HTND đã và đang trở thành công cụ quan trọng để hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu. Vấn đề này được Hội Nông dân TP thực hiện ra sao, thưa ông?

- Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, 5 năm qua, Quỹ đã giải ngân cho vay 155 mô hình điểm gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Đáng chú ý, các dự án vay vốn xây dựng mô hình điểm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của từng vùng đã tạo ra nhiều nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 300 – 500 triệu đồng/năm như: Trồng cây cảnh ở xã Đa Tốn (Gia Lâm), nuôi ba ba gai đặc sản ở xã Khai Thái (Phú Xuyên), chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi ở xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì), chăn nuôi bò sữa tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây)…

Quá trình thực hiện được tiến hành bình xét, công khai, dân chủ; công tác thu hồi vốn và quay vòng vốn đều nhanh gọn, không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Đa số các hộ được vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương.

Trong thời gian tới, Hội có giải pháp gì để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, thưa ông?

- Cùng với việc nâng cao năng lực tham mưu xây dựng tăng trưởng nguồn, các cấp, HND TP sẽ triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Quỹ HTND; tăng cường công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, phấn đấu đến năm 2020, Quỹ HTND toàn TP đạt quy mô trên 600 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh việc gắn xây dựng tăng trưởng Quỹ HTND với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tập trung vào các nông sản có thế mạnh, có thương hiệu. Hội cũng đặt ra phương châm rõ ràng, đó là gắn hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND với việc xây dựng, phát triển tổ chức Hội và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!