Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấp nhận thách thức để vào sân chơi lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuỗi hơn 20 vòng đàm phán chính thức và nhiều cuộc họp cấp cao, với vô số những nhượng bộ và thỏa hiệp không dễ dàng, đan xen giữa các nụ cười với những cái cau mày…, đã được khép lại.

12 thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP đã chính thức tuyên bố, kết thúc toàn diện đàm phán trong sự hài lòng và cân bằng lợi ích chung; đồng thời mở ra nhiều kỳ vọng lớn cho tất cả các bên.

Mô hình hội nhập quốc tế bậc cao mới

Thế giới hiện có hơn 200 hiệp định song phương (FTA) đang tồn tại, với các cấp độ từ mở cửa thương mại hàng hóa, đến mở cửa thương mại hàng hóa - dịch vụ và TPP là dạng cấp 3, cao nhất với độ mở cửa nhanh, toàn diện và sâu hơn.

 
  Khu vực bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng.     Ảnh: Duy Anh
Khu vực bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Duy Anh
TPP khi có hiệu lực (sớm nhất là vào quý I/2016) sẽ không chỉ là giảm hơn 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức, và 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm, mà còn là cam kết sâu bao gồm 22 lĩnh vực, nới lỏng đầu tư quốc tế và dòng chảy tự do của các nguồn lực, tạo môi trường chất lượng cao nhất và những chuỗi cung ứng mới, thuận lợi hơn nữa, mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Với 800 triệu dân, chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại thế giới và nhiều  thỏa thuận lớn và tham vọng nhất, những tiêu chuẩn rất cao cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động, tài chính - tiền tệ..., TPP là bước chuyển biến lớn và quan trọng nhất mà các nước đã đạt được trong 20 năm qua kể từ vòng đàm phán Uruguay và là sự khởi đầu của các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) thế hệ mới. TPP không chỉ là thành tựu to lớn với mỗi nước thành viên, giúp hỗ trợ việc làm, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và đổi mới trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm và thực sự định hình tương lai cả nền thương mại toàn cầu của thế kỷ XXI…

TPP được đánh giá là hiệp định kiểu mẫu cho thế kỷ XXI do tiêu chuẩn cao và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn so với các FTA đang tồn tại. TPP thực hiện cơ chế mở, theo đó trong tương lai, những nước quan tâm có thể tham gia đàm phán gia nhập. Tính mở của TPP có ưu điểm là chỉ bằng đàm phán TPP, một nước có thể cùng có FTA với nhiều đối tác. Chính vì thế, ngay khi công bố hoàn thành đàm phán TPP, nhiều nước, vùng lãnh thổ đã bày tỏ mối quan tâm muốn tham gia đàm phán như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Lào, Thái Lan, Colombia, Costa Rica. Trong đó khả năng Hàn Quốc tham gia đàm phán TPP là đậm nhất.
Đón tin vui TPP, chỉ số VN-Index tăng 11,29 điểm (+1,98%), lên 581,29 điểm. HNX-Index tăng mạnh hơn với mức 1,65 điểm (+2,09%), lên 80,47 điểm. Sắc xanh phủ trên 2 sàn. Ngày giao dịch 6/10 được đánh giá là ngày mà dòng tiền chảy mạnh vào trên thị trường chứng khoán với tổng thanh khoản trên 3.000 tỷ đồng. (Hà Lâm)
Chính thức nhập vào cuộc chơi lớn

Là nước có trình độ kinh tế thấp nhất, kể cả về tổng GDP, cũng như bình quân đầu người trong 12 nước thành viên TPP, trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã đề nghị các nước thành viên TPP phải lưu ý đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích và có tính đến chênh lệch trình độ phát triển. Đây là điều Việt Nam kiên trì đàm phán và đã đạt được, vừa tham gia mục tiêu chung và cũng có lộ trình để Việt Nam thực hiện các mục tiêu này và có thời gian chuẩn bị, nhất là cho khu vực DN. Tham gia TPP là sự kiện lịch sử đặc biệt trong hội nhập quốc tế của Việt Nam sau sự kiện là thành viên WTO. Việt Nam từ năm 2013 đã được 45 nước công nhận có quy chế kinh tế thị trường; hiện đã ký 10 FTA. Chính vì thế, TPP sẽ tạo xung lực tích cực để Việt Nam phát triển kinh tế đối ngoại mạnh mẽ hơn cả bề rộng và bề sâu. TPP đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và hàng điện tử, điện thoại…, với hàng chục triệu lao động. Đồng thời, TPP giúp các DN thêm cơ hội được đối xử công bằng, cạnh tranh bình đẳng và tự do đầu tư kinh doanh, nhập khẩu công nghệ thích hợp; Dịch chuyển lao động tham gia các hoạt động khác trên thị trường 12 nước thành viên TPP theo khuôn khổ các cam kết…

Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều hơn về môi trường và sở hữu trí tuệ, áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà và trong chính những ngành mà Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời, như chăn nuôi và trồng trọt nông sản… cũng như những ngành hàng xuất khẩu vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử trong nhiều năm qua, Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường truyền thống, chủ lực trong xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam. Mặc dù vậy, TPP không giúp loại bỏ các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Mỹ hiện đang áp dụng. Mỹ chỉ loại bỏ các biện pháp đó theo các thủ tục hành chính nội địa cụ thể. TPP sẽ không giúp hạn chế việc Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bán phá giá hoặc có trợ cấp. Nguy cơ Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp trong tương lai vẫn tiếp tục. Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp cho nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá cho tới khi Việt Nam đạt được tiêu chuẩn nền kinh tế thị trường.
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty CP XNK Lâm thủy sản Bến Tre. 	Ảnh: Huy Hùng
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty CP XNK Lâm thủy sản Bến Tre. Ảnh: Huy Hùng
Ngoài ra áp lực bất ổn kinh tế - tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như áp lực việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trong nước có thể gia tăng… Chính vì thế, tham gia TPP đòi hỏi Việt Nam cần có bứt phá mạnh và nhanh hơn về cả nhận thức và nền tảng pháp lý cho phát triển nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cao nhất cho DN trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm song cũng phải từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế... Còn rất nhiều việc phải làm khi tham gia TPP.

 
TPP giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 6/10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào ngày 5/10/2015 tại TP Atlanta, Mỹ. Việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc, cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu...

Một liều thuốc thử cho nông nghiệp

"Đánh giá một cách toàn diện, gia nhập TPP sẽ mang lại cơ hội lớn đối với nông nghiệp Việt Nam. Việc mở rộng bạn hàng trong TPP có thể giúp chúng ta điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu nông sản linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam có cơ hội thu hút được vốn đầu tư từ các quốc gia, tạo cơ hội  thúc đẩy tái cơ cấu ngành, trọng tâm là đưa khoa học công nghệ, cách quản lý mới vào sản xuất. Tuy vậy, TPP cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho nông nghiệp nước ta... Có thể nói, TPP là liều thuốc thử tái cơ cấu nông nghiệp, nếu cả bộ máy quản lý, nông dân và DN không có cải cách thì nông sản của chúng ta sẽ dễ thua trên sân nhà." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Mở thêm cánh cửa đón nhà đầu tư nước ngoài

"Là những DN đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội từ các thỏa thuận TPP mà Việt Nam đạt được. Một số lĩnh vực sản xuất ô tô, may mặc... chắc chắn sẽ được lợi rất nhiều từ TPP. Sắp tới sẽ có thêm nhiều DN Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của TPP. Chúng ta mở cửa thì mới thúc đẩy các DN trong nước phát triển, tạo cơ hội mới cho xuất khẩu. Các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ mang theo công nghệ, máy móc, trình độ quản trị tiên tiến, Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều từ họ." - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun

Buộc doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình

"Không phải TPP kết thúc đàm phán thành công là mọi thứ tự nhiên tốt lên, mọi DN đều ăn nên làm ra, thu nhập người lao động tăng, kinh tế phát triển… mà tất cả đều phải tự nỗ lực. Cả các cơ quan quản lý và cộng đồng DN phải thay đổi, chủ động hơn. Các DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ, sức cạnh tranh kém hơn nhiều đối thủ trong TPP. Vì thế, theo tôi, về mặt chính sách, nên xóa bỏ cơ chế xin - cho, tạo thuận lợi cho DN, bởi nước ngoài đã mở cửa cho DN Việt Nam, nhưng nếu trong nước vẫn trói buộc, “lập chốt” với DN Việt Nam thì mình vẫn thua. Đồng thời, DN phải bắt đầu thay đổi từ việc nghiêm túc với chất lượng, giá cả cạnh tranh, có hiểu biết đủ về pháp luật, văn hóa, các hệ thống phân phối địa phương, kỹ năng đàm phán quốc tế..." - Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu Lương Hoài Nam

Thu nhập quốc dân của Việt Nam sẽ tăng 10% nhờ TPP

"Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Đây cũng là áp lực tích cực để Việt Nam đổi mới nhanh chóng trở thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn." - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải