Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chắt lọc tinh hoa trí tuệ để sửa đổi Hiến pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã làm việc cần mẫn, khiêm tốn, cầu thị, chắt lọc tinh hoa trí tuệ để bổ sung, sửa đổi Hiến pháp.

Thay vì thảo luận tại hội trường vào sáng nay (18/11), các đại biểu đã thảo luận tại Đoàn và được Chủ tịch Quốc hội đề nghị góp ý trực tiếp vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Sau 10 ngày nữa (28/11), các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 .

Vào đầu giờ sáng nay, thay mặt Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên tập, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã dành khoảng 20 phút để bày tỏ về công việc của Ủy ban trong thời gian tiếp thu ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp.

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  đề nghị, những nội dung của Hiến pháp đã đạt được sự thống nhất cao thì giữ nguyên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, những nội dung của Hiến pháp đã đạt được sự thống nhất cao thì giữ nguyên.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, các thành viên của Ủy ban đã  làm việc cần mẫn, khiêm tốn, cầu thị để chắt lọc tinh hoa của nhân dân nhằm bổ sung, sửa đổi Hiến pháp tối đa. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, những nội dung của Hiến pháp đã đạt được sự thống nhất cao thì giữ nguyên.

Từ hôm nay tới 28/11, các đại biểu Quốc hội với quyền năng được nhân dân giao phó sẽ tiếp tục chỉnh sửa Dự thảo và góp ý bằng phiếu để Ủy ban tiếp tục tiếp thu nhằm có bản Hiến pháp tốt nhất.

“Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu tận cùng các ý kiến để chúng ta có thể yên tâm rằng, mặc dù còn ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đã làm hết mình, hết trách nhiệm và thông qua theo đa số”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dành nhiều thời gian đề cập về Chương Chính quyền địa phương - một nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội trong suốt thời gian qua.

Ông cho rằng nước ta có chính quyền nhân dân, chính quyền địa phương, chính quyền Nhà nước từ thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ năm 1946 đến nay, Hiến pháp đã thay đổi nhiều lần. Lần này, đất nước đứng trước một đòi hỏi đổi mới quản lý Nhà nước nói chung và đổi mới trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước nói riêng, đồng thời vẫn phải giữ nguyên tắc kế thừa và không được làm mất ổn định ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị khi Hiến pháp được thông qua, Quốc hội Khóa XIII phải khẩn trương xây dựng Luật Chính quyền địa phương để Quốc hội Khóa XIV triển khai, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.