Chất lượng giảng viên đang đi xuống?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc các trường đại học (ĐH) tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần nhìn nhận đúng về vấn đề.

Đúng là đào tạo phải sát với nhu cầu thị trường, song giảng viên mới là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.
Giảng viên phải đạt chuẩn
Đề cập đến tình trạng một số trường hiện nay tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, sinh viên ra không xin được việc, GS.TS Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam khẳng định, cần xác định lại trường đang ở đâu, thuộc top nào. “Những trường đã chết lâm sàng thì cho họ dừng hoạt động để đỡ tốn tiền đầu tư" - GS Nhớ bày tỏ. Theo ông, 12 năm nay, ĐH Hàng hải Việt Nam thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho kết quả mang giá trị thật. Chỉ 66% sinh viên tốt nghiệp, nhưng họ vẫn chấp nhận. Thậm chí đối tác ở nước ngoài còn giới thiệu người đến ĐH Hàng hải Việt Nam học. Không những thế, công tác tuyển sinh của nhà trường gần đạt 100% chỉ tiêu, trừ những ngành Cơ khí đóng tàu, Công trình biển không hấp dẫn người học vì công việc nặng nhọc, xa nhà. Đến được "đích" này, GS hớ nhấn mạnh yếu tố giảng viên: “Chất lượng giảng viên trong thời kỳ hội nhập, đầu tiên phải được chuẩn hóa và có trình độ tiếng Anh ELTS 6.0 trở lên. Riêng giảng viên Ngoại ngữ đạt từ ELTS 7.0 hoặc phải học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài để chống mài mòn kiến thức”.

Giờ thực hành môn cơ điện tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế khẳng định, ở đâu có thầy tốt chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên giỏi. Chất lượng giảng viên còn quyết định sự sống còn của các cơ sở giáo dục ĐH. Thế nhưng, hiện nay, các trường ĐH đang gặp khó về nguồn tuyển. Trước đây, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc thường được nhà trường giữ lại để bồi dưỡng thành giảng viên, nhưng bây giờ không được phép nên các em ra làm việc cho cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc DN trong nước với mức lương cao. Nguồn thứ hai là những giảng viên quá độ tuổi làm công tác quản lý không được giao các vị trí quản lý chuyên môn. Vì thế, rất cần có chính sách thu hút đội ngũ này.
Quy hoạch, rà soát giảng viên
Để đội ngũ giảng viên đạt chuẩn thì thường xuyên phải được đào tạo giúp cập nhật kiến thức chuyên môn cũng như đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn ngân sách chi cho việc bồi dưỡng giáo viên giảm, nên cũng khiến các trường khó khăn. Trước thực tế này, PGS Linh đưa ra sáng kiến, các trường liên kết với địa phương, khai thác kinh phí từ DN để có nguồn tài chính cử giáo viên đi đào tạo. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng cần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH), đặc biệt là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giải pháp này chỉ khả thi đối với những trường định hướng ứng dụng và sản phẩm NCKH phải có lợi cho DN thì mới được họ hưởng ứng.
Vì thế, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn là câu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia NCKH, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận... Là đơn vị được giao thực hiện tự chủ, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đề ra những giải pháp đào tạo và tuyển dụng giảng viên chất lượng tốt. PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, trong tổng số 186 giảng viên có học hàm TS, trường tuyển dụng được 50 TS từ nguồn bên ngoài. Do được tự chủ nên trường có những chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài cũng như động viên anh em đi làm nghiên cứu sinh. Nhà trường hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng đối với người làm TS, 3 triệu đồng với PGS và 5 triệu đồng áp dụng cho người làm GS. Các nghiên cứu sinh từ nước ngoài hay trong nước hoàn thành luận án được thưởng 100 triệu đồng và nhận 100% lương cơ bản. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có tiềm lực để thực hiện theo cách này.
Trước thực trạng chất lượng giáo dục ĐH không đồng đều, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm học tới Bộ sẽ quy hoạch, đặc biệt quan tâm đến mạng lưới các trường sư phạm. Trong đó, ưu tiên nâng cao tỉ lệ giảng viên có trình độ TS trong toàn hệ thống, thu hút những người được đào tạo ở các nước phát triển. Đồng thời rà soát đội ngũ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng trong điều kiện tự chủ ĐH và hội nhập quốc tế.
Năm học 2016 – 2017, số lượng giảng viên ĐH có tăng so với năm trước, tuy nhiên, tỉ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ TS trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp. Đặc biệt là tỉ lệ giảng viên có trình độ TS ở các trường cao đẳng chỉ chiếm 3,4%.
Nguyễn Thị Kim Phụng Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT