Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất lượng quy hoạch thấp do thiếu tầm nhìn

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Rất nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, môi trường, nội vụ, công tác xử lý cán bộ, tham nhũng… đã được đề cập với những câu hỏi thẳng thắn.

Quy hoạch treo do nóng vội trong mở rộng đất phát triển đô thị

Dẫn ra vấn đề vẫn tồn tại quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ, làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc xã hội, ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết kết quả giải quyết và các giải pháp khả thi trong thời gian tới.
 Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Ngọc Thắng
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp, cuộc sống của người dân, thể hiện chủ yếu ở hai mặt là việc làm, sinh kế và xây dựng, cải tạo nhà ở; làm giảm chất lượng phát triển đô thị; lãng phí tài nguyên; gây bức xúc trong Nhân dân. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân được chỉ ra là do chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn; xác định một số vấn đề chiến lược chưa chính xác; không lập đầy đủ quy hoạch liên quan theo quy định, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xã hội và quy hoạch chi tiết 1/500.
Bên cạnh đó không xác định đủ yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ trong quy hoạch. Cũng theo Bộ trưởng, việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, nhất là công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện; không kịp thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch. “Một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị chưa tính toán đầy đủ, chính xác yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch. Năng lực một số chủ đầu tư yếu kém, không thực hiện được dự án” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng dẫn ra một số quy định về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng. Đồng thời cho biết, trong quá trình sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng cũng có quy định bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch, quy định một số nội dung trình tự duyệt, lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch không còn phù hợp...
Để bảo đảm quyền lợi cho người dân ở vùng quy hoạch treo về vấn đề nhà ở, Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 nêu rõ, nếu như kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, xây dựng nhà. "Hết thời hạn này mà quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép về cải tạo, thậm chí xây dựng nhà mới. Quy định này bước đầu giải quyết được một phần cho người dân vùng quy hoạch treo” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, các địa phương đã tích cực hơn trong rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể như TP Hồ Chí Minh rà soát trên 250 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hồi 176 dự án treo.
Đà Nẵng rà soát 70 quy hoạch phân khu, hơn 1.000 quy hoạch chi tiết và xác định 201 dự án treo đang xử lý. Hà Nội cũng rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 chi tiết... Qua đó tình trạng quy hoạch treo được giải quyết một phần. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đây mới chỉ kết quả bước đầu và cần thời gian vì quy hoạch là vấn đề lớn.

Đầu tư 20.000 tỷ đồng có cứu được các dòng sông "chết" vì ô nhiễm?

Xử lý ô nhiễm môi trường là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra trong phiên chất vấn. ĐB Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) lần thứ 3 nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ TN&MT về tình trạng ô nhiễm sông Đáy và sông Nhuệ và mong muốn Bộ trưởng cho biết về các giải pháp.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế, không chỉ riêng sông Nhuệ, sông Đáy, mà các lưu vực sông trên cả nước hiện đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, song trong thời gian qua vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Bộ trưởng cho biết: "Riêng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, chúng tôi đã có đề xuất và báo cáo nhận diện các nguồn thải gây ô nhiễm. Trong đó, 65% nguồn thải từ Hà Nội và nguồn thải gây ô nhiễm hưu cơ từ nước thải sinh hoạt". Bộ trưởng thông tin, Chính phủ và các địa phương đã đầu tư trên 20.000 tỷ đồng để thực hiện các bước ban đầu và tiến hành giám sát, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình… đồng thời xử lý, nạo vét và trồng lại rừng đầu nguồn. Bài toán hiện nay là kiểm soát nước thải sinh hoạt. "Các khu công nghiệp, làng nghề địa phương, nhất là tại Hà Nội đã bắt đầu đầu tư hệ thống xử lý và dự kiến năm 2021, một số công trình sẽ hoàn thành. Tại Hà Nam, Nam Định cũng đã đầu tư các trạm xử lý nước thải, công trình xử lý rác thải rắn…

Theo đánh giá, hiện nay, từ 60 - 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Đây là vấn đề được nêu tại Luật Bảo vệ môi trường, theo đó, nước thải chưa được xử lý sẽ không được thải ra môi trường" - Bộ trưởng nói.

Nêu giải pháp hồi sinh sông Tô Lịch, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trước mắt là điều tiết trạm bơm để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và vận hành cống Thanh Liệt cùng trạm bơm Yên Sở, đưa nước thải ra sông Hồng và hút nước sông Hồng vào để giải quyết ô nhiễm.

“Về lâu dài, với các dòng sông, cần thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường 2020 và kiểm soát chất lượng nước thải. Với các khu vực quá tải sẽ kiến quyết không cho xả thải. Hoặc có cơ chế công tư để đầu tư hạ tầng và xử lý rác thải rắn”- Bộ trưởng nêu.


Bảo hiểm y tế chỉ chi trả được khoảng 36 - 37% tiền thuốc

Hàng loạt vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đào tạo nghề cũng được các ĐB đặt ra trong phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) về chính sách lương hưu, nhất là đối tượng người có công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, hiện nay có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, và theo đó còn có 400.000 người nghỉ hưu ở thời điểm khác nhau, nhưng mức lương hưu rất thấp (dưới 3 triệu đồng/tháng). Có trường hợp như công nhân cao su thậm chí chỉ được 1 triệu đồng/tháng. Cho nên, phương án làm sao để có khoản bù thêm, và khoản này theo các quy định là do ngân sách Nhà nước bảo đảm, không phải do bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả. Tính ra trong 400.000 đối tượng này, với mức bù 500.000 đồng/người/tháng, sẽ mất khoảng 200 - 400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách về lương kèm với đó là BHXH, chính sách với người có công, kể cả áp dụng tiêu chuẩn nhà ở mới thay vì đầu năm 2021 sẽ lùi sang ngày 1/7/2022.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) chất vấn về tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc theo đơn bằng tiền túi của mình. Thừa nhận có thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, để khắc phục triệt để, cần phân tích nguyên nhân. Theo đó, do chính sách chi trả của BHYT chưa phù hợp. Hiện, mệnh giá khám chữa bệnh của BHYT trung bình của một người chỉ là 1,1 triệu đồng/năm. So với các nước trong khu vực thì chưa bằng 1/3 Philipines, chưa bằng 1/4 của Thái Lan. Trong khi hơn 90% nguyên liệu thuốc chữa bệnh chúng ta phải nhập, mặc dù giá thuốc của ta đã rẻ hơn 10 - 15% các nước ASEAN. Do đó, bảo hiểm chỉ có thể thanh toán đối với các loại thuốc thông thường. Các loại biệt dược thì người bệnh phải bỏ tiền túi. Mỗi năm chúng ta có khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc thì BHYT chi trả được khoảng 36 - 37%.

Một vấn đề nữa mà bệnh nhân cũng phản ánh là có hiện tượng móc nối giữa bác sĩ và trình dược viên của các công ty dược và nhà thuốc kê đơn thuốc để ăn hoa hồng. Để khắc phục chỉ có một cách là công khai, minh bạch hết bằng CNTT. "Chúng ta công khai, minh bạch hết giá các loại thuốc (có khoảng 20.000 loại thuốc và dịch vụ y tế) thì sẽ được giám sát. Tới đây sẽ kết nối toàn bộ dữ liệu của các cơ sở y tế, các nhà thuốc để kiểm soát"- Phó Thủ tướng nói. Đồng thời cho biết, tới đây sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc để làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử để kiểm soát. Và một vấn đề ĐB Quốc hội phản ánh rất nhiều, đó là phải đẩy mạnh liên thông xét nghiệm, giảm lãng phí - tất cả đều bằng CNTT. (Trần Hà)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện cho các trường đại học tự chủ

ĐB Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề cập câu chuyện của trường ĐH Tôn Đức Thắng, theo đó cho biết, có nhiều ý kiến cử tri cho rằng, nên bỏ Bộ chủ quản thì việc tự chủ đại học của nước ta mới có thể thành công như mong muốn. ĐB đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đã thực hiện tự chủ đại học và bước đầu đã có những kết quả tốt, nhưng phía trước vẫn còn cả một quá trình. Theo Phó Thủ tướng, tự chủ đại học có 5 điểm có nguyên tắc toàn cầu, song với Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự có thêm 1 điểm riêng là hiểu thông suốt, luật hóa và thực hiện trong chỉ đạo điều hành. Tự chủ luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động tự chủ đại học phải được thực hiện theo pháp luật và những quy chế công khai do toàn xã hội giám sát chi tiết. Tự chủ đại học không có nghĩa là không còn nguồn đầu tư của Nhà nước.

Với câu hỏi “Có nên bỏ Bộ chủ quản không?”- Phó Thủ tướng cho biết, thực tế, nước ta hiện nay đã không còn Bộ chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Quản lý có quản lý Nhà nước và quản lý các điều kiện khác. Cơ quan quản lý trực tiếp sẽ tiến tới chỉ quản lý cơ bản về công tác cán bộ.

Nhắc lại câu chuyện trường ĐH Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Tư pháp đã tham gia làm rõ câu chuyện này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một đoàn công tác, bao gồm cả Bộ Tư pháp, để xem xét, phân tích, báo cáo về vấn đề trường ĐH Tôn Đức Thắng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Sau báo cáo này, chúng tôi sẽ họp lại với Bộ Tư pháp và sẽ công khai minh bạch cho toàn dân. Chính phủ sẽ rất công minh, ủng hộ tự chủ và tạo điều kiện cho các trường đại học”.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Xem xét xử lý hình sự người dùng giấy tờ giả

Trong phiên chất vấn chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận được các câu hỏi chất vấn về tín dụng đen, tội phạm ma túy và tình trạng mua bán giấy tờ giả công khai trên mạng. Về tình trạng mua bán giấy tờ giả, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây, băng nhóm sản xuất, làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Thậm chí có vụ thu đến 1.500 mẫu dấu và công cụ, máy móc phục vụ làm con dấu giả, tài liệu giả.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những loại đối tượng này gồm 2 nhóm: Làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo và làm giấy tờ, chứng chỉ giả phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ. “Ngay trong đội ngũ cán bộ, có nhiều người sử dụng giấy tờ giả” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu thực tế. Về giải pháp, Bộ trưởng đề xuất các cơ quan rà soát việc sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý nghiêm. Đồng thời cho rằng, trước đây, với người sử dụng giấy tờ giả, chúng ta chỉ nặng về xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự nhưng đã đến lúc cần xử lý hình sự.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hàng giả, hàng nhái biến tướng với hình thức phức tạp

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) về các giải pháp đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại trong bối cảnh nước ta đang có sự hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù đã có tiến bộ và nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này trên địa bàn cả nước và trên cả môi trường thương mại điện tử, nhưng trên thực tế vẫn còn có những hình thức cũng như biến tướng rất phức tạp.

Bộ Công Thương đang xây dựng lại Nghị định 52/NĐ-CP, trong đó xác định trách nhiệm của các cơ chế liên quan từ đấu tranh, ngăn chặn, đảm bảo thu thuế cũng như đấu tranh với gian lận thương mại điện tử gắn với các hoạt động quảng cáo cũng như giới thiệu hàng hóa trên môi trường mạng. Các bộ, ngành sẽ phối hợp triển khai trong thời gian tới.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2020 sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Trả lời chất vấn của ĐB về quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ TT&TT cân nhắc thẩm quyền ban hành. Trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ quy tắc này sẽ được ký.