Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chất vấn tại Quốc hội -Tâm điểm của tinh thần dân chủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nhắc tới sự phát triển của Quốc hội trong 70 năm qua, có lẽ không thể không nói về chất vấn - một hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội.

Việc chất vấn đã được thực hiện rất nghiêm túc từ khi Quốc hội mới thành lập, trải qua 70 năm, hoạt động chất vấn ngày càng thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của người chất vấn và người trả lời chất vấn, trở thành “tâm điểm” chú ý của mỗi kỳ họp.

Từ phiên chất vấn đầu tiên

Tại hội thảo về 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam vừa qua, nhà sử học, ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc đã kể câu chuyện thú vị về phiên chất vấn đầu tiên vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I, “để chúng ta có được ý niệm rằng việc chất vấn đã được thực hiện một cách nghiêm túc ngay từ khi Quốc hội mới thành lập, trong một không khí thực sự dân chủ của một quốc gia ngay khi mới dành được độc lập”, như lời ĐB Dương Trung Quốc.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh(đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII.  Ảnh  Ngọc Linh
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh(đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Linh
"Kỳ họp thứ 2, kéo dài 13 ngày, nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp này là thông qua những quyết sách và đạo luật quan trọng. Nhưng sôi nổi hơn cả là khi chất vấn và trả lời chất vấn" - ĐB Dương Trung Quốc cho biết. Đồng thời liệt kê ra các nội dung chất vấn như: Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu trả lời câu hỏi "vì sao xếp khối ĐB của Việt Quốc sang khối cực hữu" rằng "vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi". Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp khiêm nhường nói "nước nhà đang vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch, nhưng trong nước có những việc không hay, đó là việc của tôi". Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe khẳng định: "Chính phủ đang kiên quyết bài trừ tệ hối lộ". Cũng ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phải trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐB…

ĐB Dương Trung Quốc cho biết, biên bản phiên họp ghi rõ danh sách những người chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn bộ các thành viên của Chính phủ trả lời hơn 80 câu hỏi của các ĐB Quốc hội, tập trung vào việc thực hiện những chính sách của Nhà nước trong những ngày đầu độc lập. Phiên chất vấn đã diễn ra một cách rất dân chủ và kéo dài đến tận nửa đêm mới kết thúc. Nhận xét chung về những vấn đề các ĐB chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”

Từ những hồi tưởng về một phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, về những khó khăn gian khổ mà các ĐB phải trải qua cũng như những tình cảm yêu mến mà đồng bào, cử tri dành cho các ĐB khi ấy, nhà sử học, ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn: “Cho dù Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng có những giá trị mà đến nay còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa…”.

Đến những đổi mới mạnh mẽ

70 năm với 13 khóa Quốc hội, hoạt động chất vấn ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, từng bước đi vào thực chất với những vấn đề cử tri quan tâm và trở thành hình thức sôi động, hấp dẫn nhất trong hoạt động Quốc hội. Nếu Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa VII (tháng 12/1985) đã mở ra kỷ nguyên “nói thẳng, nói thật” của Quốc hội, thì đến Kỳ họp giữa năm 1994 của Quốc hội Khóa IX, lần đầu tiên các phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Hiện tại, các phiên chất vấn đang thu  hút sự chú ý của cử tri và cũng là vấn đề mà Quốc hội quan tâm để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thực thi chức năng quan trọng này.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã chia sẻ, từ Quốc hội Khóa VIII đến nay, mỗi kỳ họp, câu hỏi chất vấn ngồn ngộn được các ĐB gửi đến. Khóa 11 có 180 câu hỏi trong 1 kỳ họp, đến Khóa 12 có kỳ lên đến gần 300 câu hỏi, đề cập nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, sôi động những câu chuyện từ cánh đồng đến mâm cơm, từ chuyện hạt gạo, cây cà phê đến kinh tế vĩ mô, ngân hàng, tái cơ cấu.... Vì câu hỏi nhiều nhưng thành viên Chính phủ lại ít, nhiều vấn đề bức xúc nên Quốc hội Khóa XI mới cải tiến phải chất vấn theo nhóm vấn đề tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống rồi nhóm các vấn đề lại với nhau. “Cách chất vấn trên đã giải quyết vấn đề bức xúc nhất ở phạm vi vĩ mô nên có tác động tích cực, xử lý từng bước và đi đúng vào nguyện vọng của cử tri và Nhân dân” - ông Thanh nhận xét.  

Đặc biệt, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, hoạt động chất vấn đổi mới thêm một bước với việc các ĐB Quốc hội có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể về cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Các ĐB Quốc hội và đa số cử tri đánh giá: Chưa khi nào, hoạt động của Quốc hội lại sôi nổi, ấn tượng như kỳ này với tinh thần dân chủ, dám nói thẳng, nói thật. Phiên chất vấn này không chỉ giúp cử tri thấy được những vấn đề rất “nóng” của đời sống xã hội mà còn kiểm nghiệm được trình độ của ĐB Quốc hội cũng như các vị tư lệnh ngành.

Nếu như Khóa XI, sau các phiên chất vấn, mới dừng ở việc đoàn thư ký tập hợp lại, vấn đề gì lớn nhất thì lược ra rồi chuyển cho Chính phủ. Đến Khóa XII, những vấn đề quan trọng thì Quốc hội mới ra Nghị quyết về chất vấn. Nhưng đến Khóa XIII, toàn bộ phiên chất vấn đều có có Nghị quyết. Đó cũng là một bước ngoặt lớn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với Nhân dân, cử tri. Ngay các ĐB Quốc hội, việc hỏi chỉ để biết thêm thông tin đã giảm, mà nhiều ĐB đã tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của đất nước, hỏi xác đáng, sát với yêu cầu thực tiễn. Với những đổi mới ấy, qua 70 năm, cử tri hoàn toàn có thể kỳ vọng thời gian tới, hoạt động chất vấn của Quốc hội sẽ ngày càng sôi động hơn và giảm dần tính tham luận, tăng tính tranh luận với tinh thần chất vấn, truy vấn đến tận cùng vấn đề.