Trong tháng trước, chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc tăng lên mức 51,4 điểm, so với 51,1 điểm hồi tháng Chín và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
PMI của HSBC/Markit về hoạt động chế tạo của nước này tăng từ 50,2 điểm trong tháng Chín lên 50,9 điểm trong tháng 10, nhờ nhu cầu trong nước và nước ngoài đều mạnh hơn.
PMI tăng đã giúp giải tỏa bớt lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi các số liệu trong tháng trước như về lĩnh vực xuất khẩu đã gây thất vọng.
Cả hai số liệu về PMI làm tăng thêm cơ sở để nhận định rằng tình trạng giảm sút tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hồi đầu năm đã kết thúc và kinh tế nước này đang từng bước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Trong khi đó, các số liệu từ các nước châu Á khác cũng đang cho thấy một triển vọng kinh tế sáng sủa hơn.
Chỉ số PMI của HSBC/Markit cho thấy hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc tăng lần đầu tiên trong năm tháng và hoạt động sản xuất tại Đài Loan (vùng lãnh thổ của Trung Quốc) vốn đóng vai trò chủ chốt đối với các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đạt mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2012.
Tại Nhật Bản, chỉ số PMI của Markit/JMMA tăng lên 54,2 điểm, chỉ ra rằng các nhà máy gia tăng sản xuất ở mức mạnh nhất trong hơn ba năm qua, mang đến hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang dần ra khỏi hai thập niên trì trệ.
Số liệu khác cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc vượt qua các dự báo, đạt mức cao kỷ lục 50,5 tỷ USD trong tháng 10.
Hoạt động sản xuất được đẩy mạnh đã chứng tỏ nhu cầu toàn cầu cải thiện hơn trong tháng 10, tháng đã xảy ra tình trạng bế tắc chính trị tại Mỹ về vấn đề trần nợ công và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần thứ sáu liên tiếp hạ dự báo về kinh tế toàn cầu.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể trong tháng 10. Ảnh: AFP
|