Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu có thể phải chịu cảnh mua dầu giá cao từ Nga

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc có thể khiến giá dầu thô gia tăng tại thị trường châu Âu.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cường thu mua dầu thô từ Nga, lượng dầu xuất khẩu của Nga thông qua cảng Primorsks tới châu Âu sẽ bị suy giảm đáng kể, kéo theo đó là sự tăng giá các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt tại thị trường châu Âu. Song song với những thay đổi về sách lược ngoại giao, Nga cũng đang chuyển dịch nguồn cung dầu từ châu Âu sang Trung Quốc.
 
Sau giai đoạn giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh khi nguồn cung vượt quá cầu, hiện Nga đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang gia tăng đáng kể.

Ngoài ra, việc chính quyền Bắc Kinh hoàn thành tuyến đường ống dẫn dầu ESPO từ khu vực Đông Siberia thông qua Thái Bình Dương tới Trung Quốc sẽ củng cố thị phần của Nga tại thị trường này.

Hiện tại, Nga đã vượt Ả Rập Saudi để trở thành đối tắc cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc. Hệ thống ESPO là một trong những dự án chính thể hiện nỗ lực của Nga trong việc mở rộng thị phần năng lượng ở châu Á, đặc biệt là việc có thể tăng gấp đôi công suất bơm dầu thô từ Nga sang Trung Quốc thông qua tuyến đường ống dẫn mới. Cụ thể, Trung Quốc có thể nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn dầu thô của Nga mỗi năm (tương đương với 600.000 thùng/ngày), tức tăng khoảng 15 triệu tấn sau khi đường ống dẫn dầu ESPO đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng. Năm ngoái, Tập đoàn năng lượng tư nhân CEFC của Trung Quốc đã hoàn tất quá trình mua lại 14,16% cổ phần trong công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft theo thỏa thuận trị giá 9,1 tỷ USD. Với thỏa thuận này, Rosneft sẽ cung cấp cho CEFC khoảng 60,8 triệu tấn dầu trong vòng 5 năm tới. Moscow cũng đặt mục tiêu cung cấp khí gas tự nhiên cho Trung Quốc thông qua hệ thống Power of Siberia vào tháng 12/2019.

Đây rõ ràng là một tin không mấy vui đối với các quốc gia châu Âu, bởi theo đánh giá của Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu FGE, bước đầu, điều này sẽ khiến nguồn cung dầu tới châu Âu bị giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2018, cụ thể là số lượng dầu Urals của Nga qua cảng Primorsk dự kiến giảm khoảng 160.000 thùng/ngày so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, các nước châu Âu đang có mức phụ thuộc khí đốt từ Nga rất cao. Bên cạnh đó, nguồn khí hóa lỏng từ Qatar hay Mỹ tới châu Âu ở mức cao hơn so với Nga, người tiêu dùng phải chi nhiều hơn từ 50 - 70% so với đường ống dẫn khí thông thường. Vì vậy, Nga vẫn là nhà cung cấp khó thay thế với châu Âu. Các tập đoàn năng lượng Shell và BP cũng xác nhận Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu ít nhất đến năm 2035. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Mỹ và các đối tác khác chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho toàn bộ châu Âu, nhiều quốc gia trong khu vực này nhiều khả năng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi giá dầu từ Nga tăng cao.