Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Daniel Rosario cho biết, cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng đến 15 nước châu Âu gồm Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italy, Luxembourg, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia và Đan Mạch, gây thiệt hại hàng triệu Euro. Vụ bê bối trứng "bẩn" tại các trang trại chăn nuôi gia cầm ở châu Âu tiếp tục lan rộng khi Hong Kong (Trung Quốc) thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil độc hại.
Số trứng bẩn bị tiêu hủy tại Hà Lan. |
Trước Tây Ban Nha, gần 250.000 quả trứng nhiễm hóa chất Fipronil đang được bán ở thị trường Pháp kể từ tháng 4. Trong khi đó, theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh, khoảng 700.000 quả trứng gà liên quan đến bê bối nhiễm hóa chất Fipronil trừ bọ độc hại ở Hà Lan đã được phân phối tại Anh. Vụ bê bối đã bộc lộ những vấn đề trong quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Lục địa già.
Đức và Pháp, nơi các trang trại trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán gà, đã đưa ra các chỉ trích nhằm vào Bỉ và Hà Lan. Tại 2 quốc gia này, hơn 200 trang trại nuôi gà lấy trứng đã bị nhiễm độc sau khi tẩy trùng chuồng trại bằng các sản phẩm có chứa Fipronil - loại thuốc diệt khuẩn bị cấm sử dụng trong lĩnh chăn nuôi gia cầm dùng làm thực phẩm.
Làn sóng chỉ trích cũng bùng lên dữ dội khi truyền thông Anh tiết lộ, các nhà chức trách Hà Lan đã cố tình “ém nhẹm” thông tin cho tới gần 8 tháng, khi vụ việc bị vỡ lở. Tờ Telegraph của Anh cũng cáo buộc quốc gia láng giềng trong khối EU là Bỉ mặc dù đã biết thông tin trứng nhiễm độc số lượng lớn nhưng “làm ngơ” suốt gần 2 tháng liền.
Trước làn sóng chỉ trích từ các nước láng giềng, chính phủ Hà Lan thừa nhận đã phạm sai lầm trong quản lý vụ bê bối trứng gà "bẩn" nhưng bác bỏ tất cả các cáo buộc về việc ém nhẹm thông tin. Bộ trưởng y tế Hà Lan Edith Schippers lý giải, do không tìm thấy chứng cứ cho thấy chất Fipronil có trong trứng gà nên các nhà chức trách đã không tiến hành kiểm tra vào thời điểm cuối năm 2016.Trước các tranh cãi nội bộ này, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis đã phải lên tiếng, cho biết EC sẽ làm việc với các nước thành viên để tìm cách giải quyết vấn đề và rút ra những bài học hơn là buộc tội lẫn nhau. Dự kiến, các cuộc thảo luận đầu tiên về vụ bê bối liên quan đến trứng gà nhiễm chất độc Fipronil, theo yêu cầu của Đức, dự kiến sẽ diễn ra vào 2 ngày 4 và 5/9, bên lề Hội nghị Bộ trưởng nông nghiệp EU tại Estonia và một cuộc họp đặc biệt về vấn đề trứng gà nhiễm độc sẽ diễn ra ngày 26/9.Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật làm thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể gây nguy hiểm nhẹ cho thận, gan và tuyến giáp. |