Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng, vốn gây ra làn sóng biểu tình rầm rộ khắp lục địa này trong thời gian qua, khi ngày 29/5 quyết định cho phép Pháp, Tây Ban Nha và bốn nước khác thêm thời gian để tiến hành cắt giảm thâm hụt xuống mức trần qui định là tương đương 3% Tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" tại Tây Ban Nha
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao và suy thoái kéo dài tại nhiều quốc gia thành viên nên Ủy ban châu Âu (EC) cũng khuyến nghị các nước thành viên cần phải tiếp tục thực hiện giải pháp giảm nợ công song với tốc độ chậm hơn, đồng thời đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu như cải tổ các thị trường lao động để đảm bảo cho nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn.
Đối với Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso nhấn mạnh rằng Paris cần sử dụng "thời gian cho thêm" này một cách khôn ngoan nhằm giúp nền kinh tế Pháp lấy lại khả năng cạnh tranh. Ông hối thúc Pháp thực hiện các cuộc cải cách đầy tham vọng, trong đó có việc cải thiện các điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ và năng lượng hướng tới mục tiêu tối thượng là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và củng cố tài chính công.
Trong khi đó, đối với Tây Ban Nha, ông Barroso cho rằng bên cạnh đẩy mạnh các cuộc cải cách, Madrid cần phải xem xét kỹ lưỡng tất cả các chương trình cắt giảm, xem xét hệ thống thuế, giảm chi phí y tế và đẩy mạnh tái cấp vốn cho các ngân hàng để nhanh chóng giúp nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone, vốn lún sâu vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 27%.
Bên cạnh Pháp và Tây Ban Nha, EU cũng cho phép Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia thêm thời gian để đưa thâm hụt về mức trần 3% GDP.
Tác dụng phụ
Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công hoành hành, các nước châu Âu phải thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công để cứu vãn tình thế.
Cho đến nay, hậu quả mà người ta thấy rõ nhất từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng là làm cho tiêu chuẩn sống ở khu vực bị suy giảm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục. Tâm lý bất mãn lan rộng và dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố và các cuộc đình công chung. Các đảng phái chính trị phản đối biện pháp khắc khổ đã giành được sự ủng hộ của công chúng và đang gây ra tình trạng mất ổn định trong chính phủ của nhiều nước.
Ủy ban châu Âu trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 5/2013 cũng tiên đoán rằng, kinh tế của 17 nước thành viên Euronze sẽ co cụm trong năm 2013, còn 27 thành viên EU thì tăng trưởng ít, ở mức 0,1%, giảm 0,3% so với mức tiên đoán trước đó.
Đáng chú ý là những dữ liệu thất vọng nhất lại đến từ Pháp – quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu. EC dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ còn khoảng 0,1% trong năm 2013, còn tỷ lệ thất nghiệp thì ở mức 10,7%. Ngay cả Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng chỉ hy vọng tăng 0,5% trong năm nay.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của các biện pháp thắt lưng buộc bụng chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách châu Âu đối với các nước trong những vấn đề như thanh toán nợ và giảm thâm hụt.
Ngày 15/4, Hy Lạp trở thành quốc gia mới nhất đạt được thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ quốc tế, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU), về quá trình đánh giá chương trình thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng yêu cầu EU gia hạn thêm thời gian để giảm thâm hụt tài chính bằng với mức quy định của châu Âu.
Trong buổi phỏng vấn với đài CNBC, bộ trưởng Tài chính Tây Ban Luis de Guindos nhận định các biện pháp củng cố tài chính và duy trì tăng trưởng không mâu thuẫn với nhau, song chúng cần phải có sự tương thích.
Ông Guindos cũng cho rằng các nước châu Âu cần phải giảm thâm hụt ngân sách để ổn định nền tài chính công, qua đó tạo sự tự tin trong nước. Mặt khác, các nước cũng cần phải đảm bảo các biện pháp cắt giảm thâm hụt tài chính sẽ tương thích với các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Trong khi các nước ngập trong nợ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp kiên quyết bảo vệ chính sách thắt lưng buộc bụng, thì tại Đức - quốc gia khởi xướng phòng trào thắt lưng buộc bụng trên toàn châu Âu - lại chứng kiến sự chia rẽ lớn.
Cựu bộ trưởng tài chính Đức kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung tả, ông Peer Steinbrueck, vừa phát động chiến dịch tranh cử, trong đó kịch liệt phản đối chương trình thắt lưng buộc bụng do chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel khởi xướng. Ông Steinbrueck cho biết nếu được bầu làm người lãnh đạo đất nước, ông sẽ thay đổi các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang bị áp đặt lên toàn châu Âu.
Ông cho biết: "Các biện pháp thắt lưng buộc bụng không thể bị phá bỏ, nhưng chúng phải có liều lượng. Ở thời điểm hiện tại, không khó để chứng kiến cái vòng luẩn quẩn thắt lưng quá mức để rồi tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao ở những nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Ở một số nước, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới hơn 50%, doanh thu thuế thấp hơn, các cơ quan xếp hạng thì thi nhau đánh tụt xếp hạng các nước, kết quả một vòng luẩn quẩn nữa lại bắt đầu".
Ông Steinbruck khẳng định thắt lưng buộc bụng là quan trọng nhưng nó phải có chừng mực và phải đi kèm với kích thích kinh tế, chống thất nghiệp và cứng rắn hơn với các ngân hàng. Ông dẫn chứng khủng hoảng ở các nước như Ireland, Síp hay Tây Ban Nha thực chất là khủng hoảng ngân hàng chứ không phải khủng hoảng nợ.