Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu tìm cách đối phó với thất nghiệp trong thanh niên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tại Liên minh châu Âu (EU) liên tục gia tăng và thiết lập mức kỷ lục mới, Hội nghị cấp cao EU đã khai mạc vào trưa 3/7 tại Berlin, Đức với sự tham dự của khoảng 20 nhà lãnh đạo các nước thành viên nhằm thảo luận các biện pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên của khối này.

Theo số liệu vừa công bố hôm 1/7, trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU không đổi ở mức 10,9% và số người châu Âu không có việc làm lên tới 26,4 triệu người, do kinh tế khu vực vẫn tiếp tục rơi vào suy thoái. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên khu vực EU trong tháng 5 lên tới 23% đã làm dấy lên lo ngại về một thế hệ “mất mát” mới ở châu Âu. Việc lần đầu tiên, đại diện cho giới chủ doanh nghiệp và đại diện các công đoàn lớn được mời tham gia các cuộc thảo luận cùng 27 Tổng thống và Thủ tướng các nước thành viên EU là bằng chứng cho thấy tình trạng thất nghiệp tại cựu lựu địa đã nguy cấp đến mức nào.
 
Châu Âu tìm cách đối phó với thất nghiệp trong thanh niên - Ảnh 1
Người thất nghiệp trước trung tâm giới thiệu việc làm tại London, Anh. Ảnh: AFP

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí chi 8 tỷ Euro (10,4 tỷ USD) triển khai các chương trình đối phó với tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Đức Angle Merkel khẳng định, với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên khá thấp, hiện ở mức 7,6%, Berlin sẵn sàng chia sẻ với các nước thành viên EU khác về bài học đào tạo kép, kết hợp vừa học vừa làm. Dù nhiều người cho rằng, những tuyên bố trên của bà Merkel được cho là để phục vụ cho chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội vào ngày 22/9 tới nhưng các chuyên gia khẳng định, Đức là một trong những quốc gia thành công nhất trong chiến lược giáo dục, tạo việc làm cho thanh niên.

Trên thực tế, châu Âu không thể đổ lỗi cho khủng hoảng nợ công, khó khăn kinh tế là nguyên nhân gây ra tình trạng ảm đạm hiện nay trên thị trường việc làm. EU đang là nạn nhân của chính sách giáo dục chú trọng vào bằng cấp của mình vì đa số cử nhân ra trường đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Từ nhiều năm qua, cứ 10 thanh niên thuộc các nước thành viên EU, chỉ một người là theo con đường học nghề, riêng tại Anh, 10 học sinh không vào đại học mới có 1 người học nghề. Trong khi ở Đức có hệ thống đào tạo nghề rất hiệu quả, hầu như tất cả học sinh không vào đại học đều theo học nghề, thậm chí nước này còn tuyển học sinh từ nhiều nước châu Âu khác sang học nghề và tạo điều kiện cho họ ở lại làm việc. Để được đào tạo thành thợ lành nghề, trong 3 năm, học sinh phải trải qua ít nhất 170 giờ học nhưng được Chính phủ Đức tài trợ học phí và được hưởng mức lương phụ việc 818 Euro/tháng.

Chiến lược giáo dục ở Đức là bài học cho các quốc gia châu Âu và cả Việt Nam trong việc định hướng học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không phó thác cho nhu cầu ngắn hạn của thị trường việc làm như những năm qua.