Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cháu bé thứ 3 trong vụ ngộ độc thịt cóc đã hồi phục

Chia sẻ Zalo

Theo BS Nguyễn Sĩ Toàn Phong, sau 2 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không nôn ói, co giật. Hiện cháu bé đã hồi phục.

Liên quan đến vụ ngộ độc thịt cóc khiến 2 trẻ tử vong ở xã Chư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc, bác sĩ, Nguyễn Sĩ Toàn Phong, Khoa hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắc Lắc cho biết, cháu H’Chúa Buôn Giá, một trong 3 trẻ ăn thịt cóc ngày 5/12, đã dần bình phục và được chăm sóc, theo dõi tích cực.
H’Chúa đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc.
H’Chúa đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc.
Bác sĩ Nguyễn Sĩ Toàn Phong cho biết: Sau 2 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không nôn ói, co giật. Ngộ độc cóc không có điều trị đặc hiệu, hiện tại bệnh nhân mạch rõ, huyết áp tốt. Hiện tại bác sĩ theo dõi sát nhịp tim và tiếp tục làm các xét nghiệm tầm soát.

Trước đó, chiều 5/12, cháu H’Chúa Buôn Giá (sinh năm 2006) đi lấy củi đã bắt được 1 con cóc. Khi về nhà, do cả bố mẹ đều đi làm  không có ở nhà nên H’Chúa đã làm thịt cóc (để nguyên cả trứng cóc) nấu canh rồi cùng ăn với cả 2 em của mình là H’Nách Byă (sinh năm 2012) và em trai Y’Thuật Byă (sinh năm 2014). Đến 16h cùng ngày, mẹ các cháu về phát hiện cả ba đứa con của mình đều có biểu hiện nôn ói, mặt tím tái nên hô hoán người dân đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do ngộ độc nặng nên H’Nách và Y Thuật đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đây không phải là trường hợp thương tâm đầu tiên do ngộ độc thịt cóc. Thời gian qua, bệnh viện đa khoa tỉnh Đắc Lắc đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc nguy hiểm do ăn thịt cóc và đã có nhiều ca tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, các độc tố và một số chất khác có nhiều trong gan, trứng, da cóc, nếu không chế biến kỹ các độc tố này có thể sót lại và gây nguy hiểm cho người ăn. Nếu ăn phải với lượng lớn, 1-2 giờ sau khi ăn các độc tố sẽ gây ra các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim nặng, suy hô hấp và ngừng thở, trụy mạch và  tử vong chỉ sau 3-4 giờ nếu không được cứu chữa kịp thời.