Với một cấu trúc lạ, các truyện ngắn trong tập truyện như thể những chương đặt cạnh nhau của một truyện dài, mỗi câu chuyện chỉ vừa vặn trong vài trang sách. Ở đó nắm bắt và lưu giữ một cách tinh tế những luyến lưu - khoảnh khắc đẹp nhất trong buổi đầu gặp gỡ. Ấy là một cuộc gặp gỡ tình cờ dưới cơn mưa trong nhà chờ xe buýt, cú ngã giữa chợ rau lúc quá khuya về sáng, bài phóng sự tại trại hoa một ngày đầu xuân, hay chỉ đơn thuần là một cái chớp mắt của thời gian, khi chàng trai bỏ quên buổi chiều của mình trong bóng hình một cô gái… Những lát cắt nếu xét về mặt thời gian sẽ chẳng là gì với cả đời người dài rộng, nhưng lại có thể là điểm bắt đầu của hành trình hạnh phúc. Văn Thành Lê đã chọn viết về tình yêu từ những sự khởi đầu. Đôi lúc trong sự khởi đầu ấy còn có sự kết thúc - sự dở dang của những mối tình thầm lặng. Tuy nhiên, sự dang dở này lại mang đến một vẻ đẹp của nỗi nhớ và kỷ niệm tuổi trẻ. Nếu nhìn “Châu lục thứ 7” là một tập truyện ngắn, thì đây là tập truyện viết về những khoảnh khắc của tình yêu; còn nhìn nó như một truyện dài, thì đây là cuộc chạy bền của một người nghệ sĩ trong nỗ lực họa lại bức chân dung những người trẻ đang yêu. Phải nói rằng, khiếu hài hước là nét duyên dáng của văn chương Văn Thành Lê - điều này không chỉ có riêng trong “Châu lục thứ 7”. Nét hài hước không đến từ tình huống, mà đến một cách tự nhiên từ góc nhìn của nhân vật. Và chính góc nhìn hài hước về những tình huống trong đời sống hàng ngày được mô tả trong cuốn sách đã thể hiện văn phong, dáng vẻ và tâm tính của tác giả: Một người trẻ lạc quan, yêu đời và giàu lòng nhân ái.