Kinhtedothi - Ông nội tôi mất không để lại di chúc. Ông có 5 người con, là bố tôi (đã mất) và 4 người bác. Ông tôi mất có để lại một mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông. Nay, các bác tôi muốn để lại nhà đất của ông nội cho tôi (16 tuổi, có mẹ là người đại diện theo pháp luật) có được không? Tôi có được đứng tên trong sổ đỏ mới hay không?
Nguyễn Trung Hiếu (Thị Cầu, Bắc Ninh)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự năm 2005, trong trường hợp những người thừa kế muốn từ bỏ quyền thừa kế hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật thì phần tài sản bị từ chối sẽ được đem chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế còn lại, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Do đó, 4 người bác của bạn muốn từ chối quyền thừa kế của mình cho bạn thì cần phải thực hiện các bước thủ tục theo luật định tại Khoản 2, 3 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005. Cụ thể: Lập văn bản từ chối nhận di sản, trong đó có cam kết việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với người khác hay cá nhân mình gửi cho người cùng thừa kế, người tiến hành chia di sản và công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại Điểm d Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính; Khoản 10 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP ngày 17-6-2011 của Chính phủ về Lệ phí trước bạ; Khoản 10, điều 3, Thông tư 124/2011/TT-BTC ngày 31-8-2011 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về lệ phí trước bạ, có hướng dẫn thêm về trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ thì người thừa kế tài sản không phải có nghĩa vụ đóng thuế cho tài sản được thừa kế. Bởi vậy, bạn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như chịu lệ phí trước bạ khi sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Pháp luật về đất đai (Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) không quy định mức tuổi cụ thể được sở hữu và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tài sản gắn liền trên đất). Tuy nhiên, bạn ở độ tuổi chưa thành niên (Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005) nên có những hạn chế nhất định về năng lực hành vi dân sự của người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: “Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”(Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2005). Người đại diện theo pháp luật trong trường hợp này chính là mẹ bạn. Mẹ bạn có các nghĩa vụ cụ thể được quy định tại Điều 66 Bộ luật Dân sự 2005: “- Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; - Quản lý tài sản của người được giám hộ; - Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”. Do đó, mẹ của bạn sẽ quản lý tài sản này cho đến khi bạn đủ 18 tuổi. Thực tế thì Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ ghi thêm tên người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp trong cùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội