Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cháy chung cư, ai chịu trách nhiệm?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), chiều 28/12, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức tọa đàm về công tác PCCC tại nhà ở, khu dân cư.

Tìm mọi cách báo cháy
Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp. Vậy khi phát hiện cháy phải báo cho ai; Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy được quy định thế nào? Đó là câu hỏi của nhiều bạn đọc gửi tới báo Kinh tế & Đô thị.

Thạc sĩ Đỗ Hòa - giảng viên Đại học PCCC cho biết, Điều 22 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy như sau: Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh biết, cho một hoặc tất cả các đơn vị sau đây: Đội dân phòng hoặc đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tại nơi xảy ra cháy; đơn vị Cảnh sát PCCC nơi gần nhất; chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
“Thực tế hiện nay, khi xảy ra cháy, người dân thường báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114. Sau khi gọi 114, người dân nên tiếp tục thông báo cho các cơ quan kể trên. Cơ quan, đơn vị quy định kể trên khi nhận được tin báo về vụ cháy xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng đến tổ chức chữa cháy; đồng thời, báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác để chi viện chữa cháy. Trường hợp cháy xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý, ngay sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý, đồng thời báo cáo cấp trên của mình” - Thạc sĩ Đỗ Hòa chia sẻ.

Làm rõ trách nhiệm khi xảy ra cháy

Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và cả nước xảy ra một số vụ cháy chung cư. Ngoài thiệt hại về người thì còn thiệt hại về tài sản, trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm? Đó là thắc mắc của bạn đọc Hoàng Minh Chung (Giảng Võ, Hà Nội). Theo luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, muốn xác định ai là người có trách nhiệm thì phải xác định ai là người có lỗi gây ra các vụ cháy. Cụ thể, theo quy định tại Điều 16, Nghị định 79/2014/NĐ-CP, trách nhiệm chủ đầu tư: Lập dự án thiết kế đúng quy định tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định này. Trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Đồng thời, bảo đảm an toàn về PCCC đối với công trình trong suốt quá trình xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Nếu chủ đầu tư chung cư vi phạm các quy định nêu trên dẫn đến xảy ra cháy thì phải chịu trách nhiệm.

Đối với cư dân chung cư và những người khác, họ phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về PCCC. Chẳng hạn, họ mang nguồn cháy không được phép vào chung cư để sử dụng dẫn đến cháy nổ thì phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại căn cứ theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định trong Chương XX, Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội liên quan được quy định trong Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, các chuyên gia, luật sư cũng tư vấn những thắc mắc của bạn đọc xung quanh các vụ việc, tình huống cụ thể: Quy định bắt buộc về các trang thiết bị, dụng cụ PCCC đối với nhà chung cư; điều kiện về PCCC đối với khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ. Thẩm duyệt về PCCC đối với tòa nhà văn phòng được cải tạo, xây dựng thêm tầng...