Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chế tài nghiêm góp phần hình thành văn hóa giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù 5 năm đã trôi qua nhưng cách xuất hiện của 2 MC nổi tiếng người Mỹ tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Nha Trang đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm.

MC nữ xinh đẹp, diện áo dài, mang nón lá, thướt tha bước lên sân khấu. Một lúc lâu mới thấy MC nam râu ria xồm xoàm chạy chiếc xe gắn máy xông thẳng lên vũ đài, hội trường được một phen cười bể bụng. Hóa ra dưới con mắt người nước ngoài, dòng xe gắn máy bất tận cùng với tà áo dài thướt tha đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. 

 
Ý thức của mỗi người dân góp phần hình thành văn hóa giao thông. Ảnh: Hải Linh
Ý thức của mỗi người dân góp phần hình thành văn hóa giao thông. Ảnh: Hải Linh

Ngay trong những thước phim quảng bá về du lịch Việt Nam, bên cạnh các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là sự xuất hiện của hình ảnh cả một dòng thác xe máy. Thói quen đi xe máy ở Việt Nam xét cho cùng có nguyên do của nó. Nếu mỗi người đều có một xe hơi riêng như ở Mỹ, thì lấy đâu ra chỗ đậu xe, gây áp lực lên hệ thống đường sá, ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng hơn. Thấy kẹt xe là đổ lỗi cho xe gắn máy, quả thật không công bằng. 

 

Tôi có thời gian bỏ hẳn xe máy, theo dòng người chen lên xe bus, nhưng đi chừng 3 tháng rút ra kết luận: Xe bus là phương tiện dành cho người có nhiều thời gian và… không có xe máy. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), xe bus mới giải quyết được 5,7% nhu cầu đi lại của người dân các đô thị lớn. Vì thế, bản thân xe máy không có lỗi mà là lỗi chủ yếu do người điều khiển phương tiện. 

Nhiều du khách quốc tế đã rất ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam trông hiền lành là vậy, nhưng khi leo lên xe máy thì biến thành một người khác hẳn: Liều lĩnh, sẵn sáng "ăn thua đủ" với… tử thần. Còn nhớ lần sang Mỹ, được bạn bè đưa đi chơi, khi gặp giao lộ, dù không có đèn đỏ, vẫn phải ngó trước ngó sau, trong phạm vi cả trăm mét không có bóng xe mới dám băng qua. Nếu gặp xe cũng muốn sang đường thì người nọ nhường người kia, còn ở bên mình, chẳng ai nhường ai, phải lấn từng centimet, nếu không, đợi cả ngày cũng không qua đường nổi. 

Có lần, tôi ra đường từ sớm tinh mơ. Dù rất ít xe nhưng khi gặp đèn đỏ, tôi vẫn dừng lại theo phản xạ, suýt bị chiếc ô tô chạy phía sau tông phải, còn bị chửi như tát nước: "Đâu có công an mà sợ!". Hóa ra người ta chỉ sợ công an, chứ chẳng có ý thức gì hết. Theo khảo sát mới được công bố, khi không nhìn thấy cảnh sát giao thông, có tới 71,8% người điều khiển phương tiện sẵn sàng vi phạm Luật. Thông thường khi dừng chờ đèn đỏ, nhiều người không những lấn vạch mà còn lao ra giữa tim đường để khi có đèn xanh vọt cho lẹ. Thế mà những ngày hè nắng nóng, cả dàn xe máy lại dừng chờ đèn cách vạch cả chục mét. Hóa ra không phải là mọi người nhường nhịn nhau mà thực chất là tranh nhau cái tán cây để tránh nắng. 

Ngay cả chuyện chiếc còi ở Việt Nam cũng gây ra lắm chuyện bi hài. Nếu như ở các nước trên thế giới, nhấn còi gần như tuyệt đối cấm và lái xe chỉ nhấn còi khi gặp sự cố nghiêm trọng để bày tỏ sự phản kháng. Còn ở ta, cứ thả sức nhấn còi, thậm chí có tài xế còn lắp thêm còi hơi, hú như tàu hỏa để đùa với người đi đường. 

Chúng ta đang thi hành Nghị định 34/CP, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm giao thông. Đây là hành động cần thiết nhưng chưa đủ. Ta thường nói đến "văn hóa giao thông", đã là văn hóa, không còn chỉ nằm trong Luật, mà phải bao hàm ý nghĩa rộng hơn, đó là sự tự giác và khiêm nhường, phụ thuộc vào cả một mặt bằng giáo dục và trình độ dân trí, có lẽ phải 20 năm nữa ta mới thực hiện được. Ở Singapore cũng phải mất 20 năm mới thực hiện được một việc đơn giản buộc người đi taxi phải thắt dây an toàn. Ở đảo quốc này, chỗ nào cũng có biển cáo thị xử phạt nặng những người vi phạm văn minh đường phố. Còn ở Mỹ - nơi ý thức giao thông đã ăn vào máu thịt thì những ai có hành vi như chen lấn, giành chỗ đậu xe sẽ phải hứng chịu ánh mắt nhìn mình như "công dân hạng hai".

Thực trạng trên đã chứng minh một điều, các hành vi vi phạm giao thông dù khó đến đâu vẫn có thể khắc phục, hạn chế được nếu ta kiên quyết thực hiện. Ví dụ như quy định bắt buộc người điều khiển xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Ban đầu rất khó khăn vì thói quen tham gia giao thông của người Việt đã ăn sâu từ hàng chục năm nay nhưng cuối cùng chúng ta đã tạo ra được thói quen đội mũ bảo hiểm cho người dân nhờ xử phạt nghiêm.

 Vì vậy, để hình thành nên văn hóa giao thông, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm minh hơn, từ đó để người dân quen dần và hình thành nên thói quen tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.