Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chen chân để du Xuân

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khói hương nghi ngút khiến chốn cửa chùa thanh tịnh trở nên ngột ngạt, du khách xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới qua được qua cửa di tích, các bãi giữ xe nêm chặt vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu... Đó là những hình ảnh dễ thấy ở những điểm du Xuân ở Hà Nội những ngày đầu năm.

 Phủ Tây Hồ đông nghịt người cúng lễ đầu Xuân. Ảnh: Linh Anh
Khó vãn cảnh vì quá tải
Hà Nội ngày Tết thường vắng, nhưng năm nay, có thể vì tiết Xuân đẹp, nên phố phường cũng rôm rả sắc Xuân. Từ 12 giờ trưa ngày mùng 1 Tết, những con phố chính như Nguyễn Thái Học, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ… xe cộ ngược xuôi chẳng khác ngày thường.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 19 giờ 30, nhưng sát giờ đóng cửa, 16 nhân viên ở 2 quầy bán vẫn mỏi tay xé vé. Tại sân Văn Miếu, sân Thái Học người chen người, không còn khoảng không để vãn cảnh, ước mơ đàm đạo chữ nghĩa cùng các ông đồ già chỉ là viễn cảnh. Chữ được viết sẵn, in sẵn cũng không đủ nhu cầu của du khách. Tại Hội chữ Xuân ở bên hồ Văn (trong không gian di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám), các ông đồ dành thời gian viết chữ theo nhu cầu, nhưng cũng mỏi tay vì quá đông.
Ông đồ Nguyễn Văn Bảo cho biết: “Có những ngày tôi viết cật lực hơn 100 bức, không còn thời gian để giao lưu với người xin chữ”. Chữ viết xong được các người phụ giúp dùng máy sấy hong khô mới kịp cho các vị khách tiếp sau. Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngày mùng 1 năm nay, di tích đón 35.000 lượt người, riêng ngày mùng 5, lượng khách tăng lên 38.000 lượt. Trong khi Tết năm 2017, ngày đông khách nhất khoảng 34.000 lượt người.

Từ ngày mùng 1 tháng Giêng, đường vào Phủ Tây Hồ lúc nào cũng nườm nượp phương tiện xe cộ. Bãi giữ xe miễn phí vào di tích rộng hàng chục hecta bạt ngàn xe dựng. Trước cửa Phủ, cửa điện mẫu người chen người chắp tay cầu khấn. Theo bà Nguyễn Bích (Kim Động, Hưng Yên): “Nhiều năm nay tôi đi lễ Phủ Tây Hồ đầu Xuân đều không chen được vào khu vực hậu cung và các ban thờ, chỉ có thể bái vọng từ ngoài sân”. Phủ Tây Hồ giữ được tiếng thiêng, lại là nơi có thắng cảnh đẹp của Hà Nội. Chính vì vậy, không chỉ có người dân Hà Nội, mà người dân các tỉnh đều kéo nhau về lễ. Tuy nhiên, với cảnh chen nhau, không ai có cơ hội du Xuân, vãn cảnh như mong muốn.

Xô đẩy, tranh giành

Cách các điểm du Xuân hơn một cây số, bãi gửi xe tự phát mọc lên như nấm. Đường Thanh Niên trước cửa chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, đường Nguyễn Thái Học, đường Văn Miếu quanh khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… người đứng cách nhau vài mét vẫy gọi, mời chào, ra giá trông giữ xe. Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được cấp phép tạm thời bãi trông xe ở vườn Giám, vỉa hè đường Văn Miếu nhưng nhiều bãi không phép vẫn cày nát vỉa hè đường Nguyễn Thái Học.

Hàng quán cũng mọc lên theo nhu cầu. Thịt nướng, xúc xích rán, các loại bánh trái được bày bán ngay gần nơi thờ tự ở Phủ Tây Hồ. Sân ở Phủ Tây Hồ biến thành nơi chứa hàng loạt rổ tre đựng rác. Cảnh sờ chân tượng, hạc đồng để cầu may cũng dễ bắt gặp ở đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc… Du Xuân, viếng chùa là nét đẹp văn hóa của Việt vào những ngày đầu năm. Nhưng khi nét đẹp văn hóa xưa bị biến thành trào lưu thì giá trị du Xuân vì thế cũng phai mờ.