Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chênh vênh cõng giấc mơ bắc thang nối đỉnh trời

Theo Vietnamplus
Chia sẻ Zalo

Đối với thế hệ công nhân, kỹ sư đã dành hơn 800 ngày đêm ăn núi, ngủ rừng và thao thức cùng từng nhịp đập của cáp treo Fansipan thì công trình ấy có ý nghĩa như một đứa con tinh thần – đứa con mà để hoài thai và nuôi lớn nó, họ đã phải đánh đổi bằng cả nước mắt, mồ hôi và xương máu.

 
Đằng sau hàng loạt kỷ lục được cả thế giới công nhận và tôn vinh, cáp treo 3 dây còn chứa đựng sâu bên trong mình nhiều câu chuyện riêng, nhiều kỷ lục lặng thầm đến mức rất dễ bị… lãng quên của những gã điên từng ôm mộng bắc thang nối đỉnh giời…
Sống và chết cách nhau một bàn chân
Mùa thu năm 2015.
Công trình bước vào giai đoạn nước rút. Theo kế hoạch được phân công, Nguyễn Xuân Hậu sẽ phải đi cùng nhóm chuyên gia của Doppelmayr và Garaventa để trực tiếp bám sát quá trình rải, kéo cáp. Nhiệm vụ của tổ đội đặc biệt này là phải đi dọc toàn tuyến suốt từ thị trấn Sapa, băng qua 4 cột trụ tới tận điểm cao hơn 3.000m để hướng dẫn và đảm bảo cho quá trình kéo đạt chuẩn kỹ thuật đã được đề ra.
“Nếu như các nhóm trước đây chỉ thi công theo từng phân đoạn thì công việc lần này lại yêu cầu chúng tôi phải đi xuyên tuyến, không được bỏ qua bất cứ khúc nào. Cáp đi tới đâu là người phải có mặt ở đó,” Nguyễn Xuân Hậu đã bắt đầu câu chuyện về trải nghiệm “hút chết” của mình theo cách hết sức bình thường như thế.
Sáng hôm ấy, trước khi tiếp tục di chuyển theo cáp mồi từ trụ T1 lên T2, theo thói quen hàng ngày, Hậu tranh thủ chụp vài tấm hình ghi lại quang cảnh Hoàng Liên. Phía ngoài lều trại, sương vẫn nặng trũi trên tán rừng, thi thoảng lại rơi ràn rạt như mưa theo gió núi. Cất máy gọn vào túi, nai nịt cẩn thận, cậu phiên dịch viên bắt đầu lập cập bước theo cả đoàn hướng lên phía điểm cao 1.800m.
 
Càng tới gần T2, việc leo lên càng ngày càng khó. Dốc nối dốc. Những mảng rừng thưa tới khúc này đột nhiên dựng đứng, cao ngút mắt và rậm rì. Mặc dù đã phải thở bằng tai, nhưng cả đoàn người vẫn hồng hộc thở, hồng hộc leo để bám kịp tốc độ của sợi cáp mồi 12 li đang được kéo nổi trên mặt tán rừng. Do yêu cầu không được để cho cáp chạm đất, chạm điện hay vướng mắc vào cây, cả nhóm chăm chăm hướng lên trên, trong khi đường phía dưới mỗi lúc một bé lại, có đoạn chỉ còn đủ cho một người đặt chân lên.
Tới điểm cách trụ chính chừng 500m thì vách núi đã bắt đầu hun hút. Tay cầm bộ đàm, mắt Hậu vẫn bám sát đường cáp đi. Đột ngột, Hậu thấy chới với. Chỉ vài giây sau, cậu trai trẻ biết mình đang bị trượt xuống vực sâu hun hút.
Tiếng hô hoán í ới. Tiếng đá lăn. Cỏ cây túi bụi quất vào mặt. Mắt không thể mở và tim gần như ngưng đập. Đó là thứ cảm giác sợ hãi rõ rệt mà Hậu bảo suốt cả đời cậu cũng không thể nào quên được.
“Lúc ấy, tôi chẳng thể nghĩ được gì nhiều, chỉ kịp nhớ lời anh em dặn nên giơ tay ra hai bên để xem bám vào được cái gì thì bám lại.”
Trượt thêm chừng 12,13m, khi đôi tay Hậu đã bỏng rát và tê dần thì bất ngờ lại “quờ” trúng sợi dây leo bò ngang vách vực. Cả người cậu bị giật mạnh rồi khựng lại. Đá vẫn roàn roạt lăn xuống phía dưới.
 
Tới tận lúc này, Hậu mới hoàn hồn để thở hắt ra và nhìn lên đoạn vách mà mình vừa trượt. Phía trên, cả đoàn đang nhốn nháo mắc dây dợ bảo hiểm để kéo cậu trai trẻ lên.
“Khi đó, tôi xước xát khắp người, ngoài ra bộ đàm cũng bị rơi mất. Nhưng cũng may là ông trời còn thương, còn tiếc công sức của mình”, Hậu cười lành lẽ khi nhớ lại kỷ niệm nhớ đời năm ấy.
Trần Đình Luật, nhân chứng sống của những ngày kéo điện lên nóc nhà Đông Dương lại có một trải nghiệm không thể quên khác.
Luật kể: Vào đúng giai đoạn trước khi cáp treo được vận hành, do băng tuyết nên đường dây 35kV bị đứt ở nhiều đoạn.
“Nhà thầu chỉ nhận khắc phục ở những điểm dễ. Còn khu vực giữa hai cột 14 và 15, tổ điện của chúng em được giao làm”, Luật nhớ lại.
Đây cũng là đoạn phức tạp bậc nhất toàn tuyến 35kV lên đỉnh Fansipan khi nằm giữa hai cột là khe vực sâu hơn 100m và địa hình chủ yếu đều là những vách đá dựng đứng ngợp mắt người. Một nhóm thợ kéo cáp kỳ cựu được huy động khẩn cấp cùng tổ điện của Luật lại vượt núi vào rừng sâu để chinh phục nốt một trong những thách thức cuối cùng.
“Em nhớ khi cả đội đã thành công nối hai sợi dây, chỉ cần kéo nốt sợi cuối cùng để về thì đột ngột trời nổi gió rất lớn, sương mù nổi lên dày đặc”, Luật hồi tưởng.
 
Lúc này, ở phía trên cột, Luật yêu cầu tổ phía dưới trùng dây để đấu nối sợi cáp điện vào vị trí. Nhưng do gió và sương mù cản trở, nhóm hỗ trợ nghe nhầm thành thả dây. Sợi cáp thép không người néo lập tức bật tung, “văng như con rắn” và vụt ngược lên phía Luật đang neo mình.
Chỉ còn kịp thấy bỏng rát nơi trán, gã thợ điện ngã ngửa người, lơ lửng treo mình giữa cây cột cao cả chục mét nhờ sợi dây bảo hiểm mỏng manh. Mọi thứ rất nhanh tối sầm đi theo máu chảy đầm đìa.
Bữa ấy, Luật đã được “đồng đội” đưa ra khỏi rừng theo cách thức kỳ lạ nhất. Cậu trai trẻ bị bọc kín mít trong chăn. Phần đầu đã garo cầm máu tạm bằng sợi dây thừng buộc ngang. Một thân cây nhỏ biến thành đòn khiêng, cả đoàn người tấp tểnh “gánh” Luật đang lịm dần đi về phía chân núi.
“Có đoạn dốc quá, mọi người còn phải thả ra, kéo lê em đi. Ra đến Trạm Tôn mất 3 tiếng thì em vẫn mê man nên anh em còn xúm vào tát thật đau để em tỉnh lại được”, Luật kể.
Sự cố ngày ấy “tặng lại” cho Luật vết sẹo chạy chéo phía trái trán và gần chục vết khâu ở tay và chân. Thế nhưng, khi được hỏi: “Em có bị sợ hay ám ảnh không?” thì cậu vẫn hồn nhiên bảo: “Thực ra là em không sợ. Vì em nghĩ, những gì khó khăn tưởng không thể vượt qua được thì mình đều đã làm được rồi. Sự cố này chỉ là chuyện nhỏ thôi”.
 
Chuyến băng rừng nhanh kỷ lục
Khi cáp treo Fansipan được đưa vào vận hành, những người góp phần kiến tạo nên cây cầu “điên rồ” ấy như Trần Đình Luật, Nguyễn Xuân Hậu… đều đã phải “đánh rơi” máu và mồ hôi của mình suốt dọc tuyến. Thậm chí, họ còn lặng lẽ lập nên những kỷ lục không chính thức hết sức khó tin trong suốt hơn 8.000 ngày đêm ăn ngủ với rừng Hoàng Liên.
Võ Hoài Quốc, cựu cán bộ trắc đạc cáp 3 dây ở Sapa từ những ngày đầu tiên đã tổng kết lại một loạt cái nhất trong hồi ức của mình: “Cáp treo Fansipan khai trương, nhận liền hai kỷ lục thế giới: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m. Còn chúng tôi lại có những kỉ lục, cho riêng mình: Chuyến làm xa nhà nhất; Chuỗi ngày xa nhà lâu nhất; Những người trú lại đỉnh Fansipan dài ngày nhất; Và… chuyến vượt rừng leo Fansipan trong thời gian ngắn nhất, may mắn nhất.”
Cho tới tận lúc này, Võ Hoài Quốc vẫn chưa thể lý giải được động lực và sức mạnh nào đã khiến anh cùng đồng nghiệp vượt qua quãng đường hơn 12km đường núi từ gần đỉnh Fansipan về tới Trạm Tôn chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ, thay vì gần 8 tiếng như bình thường.
Trong hồi ký của mình sau này, anh kể lại: “5 giờ 30 phút sáng, trời vẫn còn mờ tối. Chú Minh – người đi cùng đoàn khảo sát với tôi đã trở dậy, cầm đèn pin ra sau lán bứt dây rừng để buộc thêm vào hành lý. Đột nhiên, tôi thấy chú chạy vào lán, hớt hải với 4 dấu răng chia đều trên bắp tay: “Quốc ơi, mày xem hộ anh với. Rắn gì cắn anh tê buốt cả rồi!... Con rắn phải to lắm, 4 vết răng đối nhau trên bắp tay thế này!”
 
Chỉ kịp buộc garo trên vết cắn, Quốc vội vã cuốn hành lý rồi cùng A Sử - người đồng hành còn lại bắt đầu chuyến vượt rừng nhanh kỷ lục của mình.
“Tôi và chú Minh theo lối mòn lao về phía bản như ở đường bằng vậy. Chú Minh đang cố chạy, vừa quằn quại trong cơn đau. Tôi chạy giữa và phía sau là A Sử đang thở hồng hộc.
Đợt tuyết rơi 3 ngày trước đã xô đổ những cây cổ thụ, trơ những rễ ngoằn ngoèo đầy rêu, khiến những tầng cây dưới cũng bị đè gãy theo. Lối đi của chúng tôi giờ như một bó củi khổng lồ với những đất, đá tảng treo lơ lửng và cành cây gãy. Chúng tôi không được phép dừng một giây nào…”
Vừa chạy, Quốc vừa gọi điện cầu cứu. May thay, có người bắt máy. Một ôtô sẽ đợi sẵn phía cửa rừng. Anh kể: Khi ấy, anh vừa băng dốc, vừa khóc. Khóc vì đã có tý hy vọng. Khóc vì quá lo lắng và mệt mỏi. Anh cũng không nhớ mình đã băng qua các triền dốc như thế nào.
“Ba người chúng tôi đã chạy quá khu vực T3. Người chú Minh đang sưng căng đến sát ngực, phải xé cả áo vì sợ sưng chật không cởi kịp. Chú mím cặp môi khô nhợt nhạt cố chịu đựng cơn đau, mắt đã nổi đốm hoa nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để lần theo những vết chém trên thân cây to, chạy qua đoạn rừng dễ lạc nhất này. Khu vực này như một cái sọt khổng lồ đang úp đầy những chén bát – những cụm đồi cứ xen chân nhau nối tiếp, không ít nhóm trong đoàn chúng tôi cũng từng đi lạc ở đây, đến đêm phải căng choàng nilon ngủ lại cách lán có hơn trăm mét mà không hề biết. Những cái dốc cứ thế bị bỏ lại phía sau cùng với tiếng đá lăn đùng đùng. Chúng tôi không ngừng chạy.
Đã xuống đến điểm 1800m. Mặt ai cũng bám đầy bùn sình vì phải luôn khom người chạy luồn theo những lối trâu đi, bên trên là lau sậy và những bụi hoa mua lớn. Ra đến bãi trống vẫn thấy chú Minh chạy khom người, một tay tì sau lưng. Tôi và A Sử vội đến dìu chú. Mặt chú giờ tái nhợt. Nọc rắn đã phát tác, chú bắt đầu khó thở và liên lục kêu đau lưng. Chúng tôi đều hiểu là nọc rắn lục làm rối loạn cơ chế đông máu, liên quan đến việc vận chuyển oxy trong máu và nhanh chóng xâm nhập nội tạng. Thận và tim chú đang gánh chịu trước hết.
- Cố lên chú ơi! Sắp đến rồi!
Tôi cùng A Sử dìu chú gần như kéo lê suốt đoạn đường còn lại”.
Tới gần 9 giờ sáng, chiếc xe đợi sẵn phía Trạm Tôn lao vun vút về phía bệnh viện Sapa trong niềm hy vọng khắc khoải của tất cả đoàn. Tính tới thời điểm đó, hành trình vượt 12km đường núi của nhóm 3 người Võ Hoài Quốc chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 giờ, một kỷ lục không chính thức. Chính nhờ chuyến đi kỷ lục này, tính mạng của … Minh đã được giữ lại. Chỉ 14 ngày sau, anh đã vượt qua cơn thập tử nhất sinh để “thảnh thơi ngồi câu cá ở ao nhà” trong niềm vui vô hạn của Võ Hoài Quốc và các đồng nghiệp.
Về sau, Quốc đã tự tổng kết lại trong hồi ký của mình: “Nhìn lại những gì đã qua, tôi mới thấy sức hút của công trình cáp treo này. Nó cũng kéo theo những kỷ lục âm thầm. Với riêng chúng tôi, khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tất cả cũng đã cùng nhau tạo nên một hành trình kỳ tích”.
Vĩ thanh
Những ngày cuối năm 2018, chúng tôi đã tìm cách tái hiện lại phần nào cung vượt rừng, kéo cáp qua núi mà 5 năm trước mà Võ Hoài Quốc, Nguyễn Xuân Hậu… đã từng đi qua. Con đường ngày ấy giờ chỉ còn có thể nhận ra qua vài dấu vết nhạt mờ. Thang cây bắc qua vực  sâu đã mục gãy. Sợi dây thừng buộc trên vách cũng cũ mòn… Cỏ cây, đất đá và cả thời gian đằng đẵng đã kịp xóa bỏ đi hơi người trên tuyến cáp đi năm nào.
Trần Đình Luật, hoa tiêu kiêm hướng dẫn viên cho chúng tôi thi thoảng lại ngẩn người, dừng hẳn lại khi gặp bất kỳ một vết tích mong manh của 8.000 ngày đêm hoang đường ấy. Cậu bảo: Sau này, dù có thể không còn ở Sapa, nhưng tất cả những người đã ăn ngủ cùng băng tuyết Fansipan sẽ không thể quên rằng: Mỗi một tấc đất Hoàng Liên đều đã thấm đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu của chính mình…
Phía trên đầu, cabin cáp vẫn ro ro chạy, khắc sâu vào nền trời Sapa trong xanh văn vắt…