Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chèo Hà Nội không "đánh trống bỏ dùi"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi sân khấu truyền thống đang mỏi tay chèo chống, thì chèo Hà Nội lại tấp nập các dự án lớn, bé.

KTĐT - Trong khi sân khấu truyền thống đang mỏi tay chèo chống, thì chèo Hà Nội lại tấp nập các dự án lớn, bé.

Từ các diễn viên gạo cội như Xuân Hinh, Thu Huyền, Quốc Anh… đến các diễn viên thế hệ 8X đều đắt sô diễn chèo. NSƯT Trịnh Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội đã không giấu diếm tâm tư của mình trong quá trình chèo Hà Nội tìm cách vượt khó.

 

- Với vai trò giám đốc, chị có thể chia sẻ cách thức giúp diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội ai ai cũng "sống khỏe"?


Hiện nay, vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, Nhà hát Chèo Hà Nội thường xuyên sáng đèn nhờ các hợp đồng ký kết với các công ty du lịch. Vừa qua, nằm trong chiến lược hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, chúng tôi tiếp tục ký kết với 6 công ty lữ hành du lịch lớn để quảng bá nghệ thuật chèo với du khách quốc tế. Như vậy, đến khoảng cuối năm, mỗi tuần Nhà hát Chèo Hà Nội có ít nhất khoảng bốn buổi sáng đèn thường xuyên. Sân diễn này sẽ dành cho các diễn viên trẻ sinh năm 1982 trở lên. Còn các diễn viên gạo cội sẽ diễn thường xuyên trong các vở chèo kinh điển tại Nhà hát Lớn Hà Nội như: "Nàng Sita", "Oan khuất một thời"…


- Hợp tác với các công ty du lịch là niềm khát khao khó thực hiện của rất nhiều nhà hát. Tại sao Nhà hát Chèo Hà Nội làm được?


Để có những hợp đồng đó là cả một lộ trình. Vừa đúng thời điểm Thành phố phát động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, lại vừa là chủ trương của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống đến bạn bè quốc tế. Cùng lúc đó, Nhà hát Chèo Hà Nội xây dựng chiến lược quảng bá để tăng thêm sô diễn. Như vậy, sau khi thỏa thuận giữa hai bên, Nhà hát Chèo Hà Nội vinh dự trở thành điểm ghé chân của du khách quốc tế mỗi khi đến tham quan Hà Nội.


-Chị có thể lý giải vì sao khi nhắc đến thành công về số lượng các buổi diễn, người ta thường nhắc đến Nhà hát Tuổi trẻ như một tấm gương, còn Nhà hát Chèo Hà Nội không lọt vào danh sách đó?


Nếu tính về cuộc cạnh tranh thị trường, Nhà hát Tuổi trẻ là thương hiệu ăn sâu trong lòng khán giả nước nhà. Nhà hát Chèo Hà Nội có hướng đi riêng để có được nhiều buổi diễn. Dù hướng đi nào thì điều quan trọng là làm chèo được "sống" trong đời sống sân khấu.


- Chèo là loại hình văn hóa dân gian vinh dự được ngành văn hóa lựa chọn để quảng bá đến du khách quốc tế, nhà hát sẽ đầu tư như thế nào trước lợi thế đó?


Từ ngày 30/7/2010, mỗi một du khách quốc tế đến Việt Nam khi ghé chân qua Nhà hát Chèo Hà Nội (15 Nguyễn Đình Chiểu) sẽ được đón xem chương trình nghệ thuật "Trẩy hội mùa xuân". Chương trình sẽ tái hiện hình ảnh lễ hội ở khắp các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, có thời lượng 60 phút, kết hợp khéo léo nhiều hình thái nghệ thuật độc đáo như: Ca trù, hát xẩm, dân ca, hát Chầu văn…, một số trích đoạn tiêu biểu, đặc sắc nhất của nghệ thuật chèo: Thị Màu lên chùa, Quan âm Thị Kính, Thử hài - Tấm Cám. Qua chương trình, Nhà hát Chèo Hà Nội muốn giới thiệu với du khách một nét văn hóa truyền thống Việt Nam (văn hóa lễ hội). Các loại hình nghệ thuật dân gian, tiêu biểu là chèo, qua đó nói lên lối sống, tình cảm, ước vọng của người Việt. Chương trình này được chúng tôi xây dựng một cách khéo léo, liền mạch, với kỹ thuật biểu diễn điêu luyện của các nghệ sĩ tài năng, mà đa phần là các nghệ sĩ trẻ và đặc biệt là các em thế hệ 8X vừa có thanh, vừa có sắc.


- Tại sao tham gia diễn xuất chương trình quan trọng như "Trẩy hội mùa xuân" lại là các diễn viên thế hệ 8X mà không phải là các "ngôi sao" của nhà hát?


Người ta vẫn có câu "đào trẻ còn hơn thầy già", nhưng không phải vì thế mà chúng tôi lựa chọn những diễn viên đẹp nhưng ngờ nghệch. Nhà hát chú trọng cả thanh và sắc. Hơn nữa, biểu diễn cho du khách không nên quá khó hiểu và bác học. Các "ngôi sao" về chèo sẽ hợp hơn với các buổi biểu diễn dành cho nghiên cứu chèo. Còn các em diễn viên trẻ, với kỹ năng biểu diễn mộc mạc sẽ làm cho du khách thích thú.


-Trong không khí cả nước chuẩn bị đón ngày Thủ đô mừng sinh nhật 1000 tuổi, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là tâm điểm nhận được những dự án nghệ thuật được đầu tư lớn?


Năm 2009, hai vở diễn từng gây tiếng vang cho chèo một thời là "Nàng Sita" và "Oan khuất một thời" đã được tái dựng, mỗi vở có kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Tới đây, nhà hát đang chuẩn bị dựng một vở diễn hoành tráng không kém nói về văn sĩ Hà Nội: Văn sĩ Cao Bá Quát. Ngoài ra, Nhà hát Chèo Hà Nội đang có ý tưởng tái dựng quá trình dời đô của Lý Công Uẩn bằng đường sông. Tham gia cho sự kiện này là sự kết hợp của nhiều ngành: văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều tỉnh: Ninh Bình, Hưng Yên và Hà Nội tham gia để tôn lên không khí lễ hội. Bắt đầu làm chương trình văn nghệ tại cố đô Hoa Lư, sau đó sẽ cắm trại tại Phố Hiến, thuyền cập bến tại Chèm và đến Hà Nội đúng vào 3 ngày đầu của Đại lễ cùng Khai mạc Ẩm thực du lịch quốc gia. Đoàn khách du lịch có thể tham gia vào sự kiện này bằng cách đi cùng đoàn tùy tùng văn võ bá quan của vua Lý Công Uẩn.


- Có được các dự án này cũng là sự năng động của nhà quản lý để tạo thêm công ăn việc làm cho anh em nghệ sỹ trong nhà hát?


Chúng tôi không nhận dự án sau đó "đánh trống bỏ dùi". Chúng tôi đầu tư các vở diễn mừng Đại lễ là cuộc đầu tư có chiều sâu. Hiện nay, trong quá trình chuẩn bị dựng vở Cao Bá Quát, nhà hát đã tổ chức cho các diễn viên dự những buổi nói chuyện chuyên đề, những chuyến tham quan có nơi in dấu ấn của nhà văn sỹ lớn của Hà Nội. Ngoài các diễn viên gạo cội của nhà hát tham gia diễn xuất, chúng tôi còn mời nhà viết kịch, đạo diễn, thiết kế trang phục là những người có uy tín với sân khấu chèo và sân khấu lịch sử. Mọi công việc được chúng tôi thực hiện trên tinh thần sửa soạn những món ăn thịnh soạn để dâng lên tổ tiên trong ngày Đại lễ.


- Xin cảm ơn chị!