Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ 15% số công trình nước sạch có sự tham gia của tư nhân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về công tác xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Hồng do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 22/11.

Toàn cảnh Hội nghị.
Theo thống kê, tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng triển khai Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vay vốn Ngân hàng Thế giới (Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hà Nội) có tổng số 1.137 công trình cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, số công trình có sự tham gia quản lý, đầu tư của khu vực tư nhân (KVTN) là 171 công trình (tức chỉ chiếm khoảng 15%).
Tại Hà Nội, hiện cũng chỉ có 18/119 công trình có sự tham gia quản lý của KVTN. Dù số lượng công trình KVTN tham gia không lớn, nhưng tổng vốn đầu tư lại chiếm tỷ lệ lên tới 62% và góp phần mang nước sạch đến với gần 1,2 triệu người dân nông thôn.
Cũng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện trạng hoạt động của các công trình cấp nước sạch tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh là tương đối tốt với tỷ lệ đạt trung bình trên 70% “bền vững” và “trung bình”. Tuy nhiên, tổng số công trình cấp nước sạch hoạt động “kém hiệu quả” và hiện đang “không hoạt động” tại 4 địa phương còn lại rất cao. Cụ thể, Hà Nam (51,5%), Vĩnh Phúc (46,2%), Phú Thọ (42%) và Hà Nội (42,8%).

Theo đại diện 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng, công tác xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan tới cơ chế, chính sách hỗ trợ. Theo đó, hầu hết các ý kiến đề xuất, cần cấp thiết rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg và Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đất đai, cấp bù giá nước và việc chuyển giao, chuyển nhượng các công trình.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới cấp nước cần theo xu thế cung cầu của thị trường, tránh nặng nề lồng ghép các chính sách an sinh xã hội khác, bảo đảm chính sách thực thi tập trung, không dàn trải trên nguyên tắc nhà đầu tư thu hồi được vốn và có lãi hợp lý.