Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi cục TCĐLCL Hà Nội: Thực hiện hiệu quả công tác đo lường chất lượng

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường ngày càng tinh vi và khó lường. Trước tình hình đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội ngày càng đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa

Trước tình hình đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội ngày càng đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, rà soát, kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những người tiêu dùng như anh Nguyễn Văn Hoàng (Long Biên, Hà Nội) thường khó xác định được tính chính xác về định lượng và chất lượng của các dòng sản phẩm trên thị trường. Anh Hoàng chia sẻ: “Đối với những mặt hàng đóng gói sẵn, khi mua thì chúng tôi chỉ mua dựa trên số liệu ghi ngoài bao bì. Hầu như không bao giờ tôi cân kiểm tra lại xem khối lượng đó đúng hay không”

 Người tiêu dùng thường khó xác định tính chính xác về định lượng và chất lượng ghi trên bao bì của các loại sản phẩm hàng hóa.
 Người tiêu dùng thường khó xác định tính chính xác về định lượng và chất lượng ghi trên bao bì của các loại sản phẩm hàng hóa.

Nếu sai sót về định lượng chỉ khiến cho người tiêu dùng chịu thiệt hại về mặt vật chất thì những sai sót về tiêu chuẩn kỹ thuật của các dòng sản phẩm như đồ điện gia dụng có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Nhưng người tiêu dùng còn khó khăn hơn xác định chất lượng của loại mặt hàng này.

Trước tình hình đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội tăng cường thực hiện hoạt động kiểm tra nhà nước, giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. 

Trong buổi kiểm tra tại siêu thị MM Mega Market ngày 15/11/2022, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra khối lượng tịnh của 8 mặt hàng đồ khô. Những dòng sản phẩm như điện gia dụng, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, là những sản phẩm hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và an toàn của con người. Bởi vậy, để lưu thông trên thị trường, các sản phẩm bắt buộc phải có tem nhãn đúng quy định của pháp luật, bảo đảm rằng loại sản phẩm họ mua đã trải qua một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Nhưng dù có tem nhãn hợp chuẩn, hợp quy, các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường cũng có thể phải trải qua quá trình kiểm định chất lượng của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu thử và đưa về Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, để xác định xem những thông số kỹ thuật của máy có đúng với những gì mà cơ sở sản xuất công bố hay không.

Trên thực tế, việc tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra về cả lĩnh vực đo lường và chất lượng tại các cơ sở, doanh nghiệp của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội là một phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ người tiêu dùng, giúp giảm thiểu tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. “Các chuyên viên luôn đề cao tinh thần làm việc sáng tạo, có định hướng mới trong công việc cũng như các nhóm hàng, ngành hàng để lĩnh vực quản lý về tiêu chuẩn đo lường của phòng trên địa bàn thành phố được phát triển, được đánh dấu và ghi nhận hơn nữa, và cái việc đó sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Phạm Việt Hưng, Trưởng phòng Quản lý Đo lường cho biết.

Năm 2022, Chi cục chủ trì và phối hợp thực hiện kiểm tra tại 188 cơ sở doanh nghiệp, tăng 77% so với năm ngoái.

Chuyên viên Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội thực hiện hoạt động kiểm tra tại Siêu thị MM Mega Market.
Chuyên viên Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội thực hiện hoạt động kiểm tra tại Siêu thị MM Mega Market.

Bên cạnh hoạt động thanh, kiểm tra Nhà nước, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội đóng vai trò bảo vệ người tiêu dùng ngay từ khâu kiểm tra hồ sơ hàng hóa tại trụ sở Chi cục. Bộ phận một cửa của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội là nơi tiếp nhận các hồ sơ đăng ký kiểm tra hàng hóa nhập khẩu và hồ sơ đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy của các tổ chức, cá nhân. Năm 2022, Chi cục đã tiếp nhận và xử lý 4277 hồ sơ các loại, trong đó có tới 96% hồ sơ đăng ký kiểm tra hàng nhập khẩu. Đối với dòng sản phẩm này, doanh nghiệp bắt buộc phải nộp đầy đủ các thành phần hồ sơ như: Giấy Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Bản sao chứng chỉ chất lượng và các tài liệu liên quan đến xuất xứ, đường đi… của sản phẩm. Đây là những căn cứ để đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 27/2012 của Bộ trưởng Bộ KH và CN.

Bộ phận 1 cửa tiếp nhận các loại hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân
Bộ phận 1 cửa tiếp nhận các loại hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân

Công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra hàng nhập khẩu của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội bảo vệ người tiêu dùng, loại bỏ hàng kém chất lượng ngay từ trước khi hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND Thành phố, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước, đặc biệt là công tác kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan, đơn vị, tạo sức mạnh tổng hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh, kiểm tra.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo sức khỏe và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đây cũng là vai trò cốt lõi của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội trong công cuộc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.