Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ giảm lãi suất chưa đủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần một năm triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở vẫn được giải ngân ở con số khiêm tốn. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự ì ạch này, giải pháp nào để "kích" tốc độ giải ngân?

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài viết của Chuyên gia ngân hàng Trương Thanh Đức - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng về vấn đề này.
Thị trường bất động sản vẫn chưa có những biến chuyển lớn dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ.  Trong ảnh: Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.     Ảnh: Yên Chi
Thị trường bất động sản vẫn chưa có những biến chuyển lớn dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Trong ảnh: Khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Yên Chi
Vì sao ngân hàng... lạnh nhạt?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Đây được đánh giá là con số quá thấp so với kỳ vọng và nhu cầu vay vốn của những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.Dư nợ thấp, đương nhiên là do các ngân hàng không chịu giải ngân. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao ngân hàng chủ yếu sống dựa vào việc cho vay vốn mà lại "lạnh nhạt" với việc cho vay? 

Thực tế, các ngân hàng rất muốn giải ngân nhưng lại khó cho vay, thậm chí không thể cho vay. Nguyên nhân vì gói 30.000 tỷ đồng dành cho vay hỗ trợ mua nhà ở cho người thu nhập thấp, nói đúng hơn là người nghèo nhưng các ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về tính an toàn của khoản vay. Bởi vậy, việc ngân hàng chỉ cho vay đối với các khách hàng có năng lực tài chính, có đủ khả năng trả nợ và có tài sản đảm bảo an toàn và hợp pháp là điều đương nhiên. Đã gọi là người thu nhập thấp, người nghèo thì lấy đâu ra năm bảy trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ để mua nhà; Lấy đâu ra mỗi tháng năm bảy triệu, thậm chí là cả chục triệu để trả nợ gốc? Người nghèo trả nợ trước mắt đã khó, vậy thì làm sao chứng minh được khả năng trả nợ vay trung và dài hạn. Do vậy, tiền lãi vay dù có thấp hơn 5%/năm (như hiện nay) thì cũng chỉ nhẹ gánh trả nợ hơn một chút, chứ không phải cơ hội vay vốn mua nhà. 

Cần có sự thay đổi căn bản 

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, cán bộ ngân hàng lo sợ với những hậu quả pháp lý từ việc khách hàng đổ bể, thất thoát, lừa đảo, không trả được nợ vay… thì việc các ngân hàng dè dặt với các khách hàng có tài sản đảm bảo thiếu an toàn, thiếu tính pháp lý và đặc biệt không đủ khả năng trả nợ là điều dễ hiểu.
Nhiều căn hộ xây thô tại Khu đô thị Thạch Bàn vẫn chưa hoàn thiện.    Ảnh: Yên Chi
Nhiều căn hộ xây thô tại Khu đô thị Thạch Bàn vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Yên Chi
 
Thiết kế gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo hướng chính sách xã hội, nhưng thực hiện thì lại là yêu cầu của tín dụng thương mại. Nghịch lý đó đã "bó chân" gói cho vay ưu đãi nhiều ý nghĩa này. Muốn "phá băng" và "kích" giải ngân 30.000 tỷ đồng, cần phải thay đổi cơ bản chính sách.Điều chỉnh chính sách bằng việc giảm lãi đã không mấy ý nghĩa, vì gánh nặng trả nợ chủ yếu là ở nợ gốc chứ không phải nợ lãi. Kéo dài thời hạn vay vốn, trả nợ thì ngân hàng lại càng thấy rủi ro và khách hàng càng khó chứng minh năng lực tài chính bảo đảm trả nợ. Đưa thêm ngân hàng thương mại vào cho vay thì ngân hàng nào cũng phải thực hiện nguyên tắc, chỉ giải ngân khi khoản vay bảo đảm an toàn và hiệu quả. Cho phép thế chấp chính căn hộ được mua cũng chỉ là sự gượng ép, vì thiếu sự bảo đảm thực chất. Hơn nữa, điều kiện và khả năng trả nợ mới là vấn đề chính trong khi điều kiện bảo đảm chỉ là yếu tố ràng buộc phụ.
Từ những lý do trên cho thấy, nếu muốn tiếp tục triển khai gói tín dụng này cần phải có sự thay đổi căn bản, cho vay theo cách thức của tín dụng chính sách thay cho tín dụng thương mại, tức là Nhà nước quyết định thay vì thị trường quyết định.