Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi tiêu bất hợp lý, khó thích nghi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người lao động sau khi làm việc ở các nước bạn trở về thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập thị trường lao động.

Mặc dù hầu hết đều có việc làm trong một tháng đầu sau khi về nước, với tỷ lệ 90,39% nhưng phần lớn cho rằng họ khó tìm được việc có thể phát huy kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài.

Đây là những thông tin được đưa ra trong bản Nghiên cứu lao động trở về sau khi xuất khẩu lao động được Viện Khoa học lao động và xã hội- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện.

Sử dụng vốn tích lũy không hiệu quả

Theo nghiên cứu này, đại bộ phận lao động đều có tích lũy từ xuất khẩu lao động, chiếm tới 88,9% số lao động được khảo sát. Mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thấp nhất là Malaysia.

Cụ thể, mức tích lũy bình quân của người lao động làm việc đủ ba năm ở Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, lần lượt bằng 1,2 lần, 2,2 lần và 6 lần  so với mức tích lũy tương ứng của người lao động ở  Hàn Quốc (243 triệu đồng/người), Đài Loan (145 triệu đồng/người) và Malaysia (51 triệu đồng/người).

Những lao động không có tích lũy (chiếm 11% tổng số lao động làm việc ở các nước bạn trở về) chủ yếu là những lao động bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nặng nề ở Malaysia và Đài Loan, bao gồm cả những người về nước trước hạn và đúng hạn, thậm chí cả một số lao động được gia hạn hợp đồng. Cá biệt, có một số trường hợp lao động trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy. Các trường hợp này mặc dù có chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả là chưa có ý thức tiết kiệm trong  quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.

Việc sử dụng tiền tích lũy của người lao động cũng chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn số tiền tích lũy được  sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như  trả nợ của gia đình phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động (chiếm 34,37%  tổng số tiền tích lũy.) Bên cạnh đó, nhiều lao động cũng sử dụng số tiền này vào việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa (28,49%) và mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%).  Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79%  và 3,67% tổng tiền tích lũy. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ tiền tích lũy được gửi vào ngân hàng  hay cho vay lãi (12,22% ).

Khó hòa nhập thị trường lao động trong nước

Phần lớn lao động sau khi về nước có việc làm ngay (chiếm tỷ lệ 80,6%), tuy nhiên chất lượng việc làm còn thấp.

Đặc biệt, bản nghiên cứu cũng khẳng định: Người lao động còn gặp khó khăn trong hòa nhập thị trường lao động sau khi về nước. Hầu hết người lao động có việc làm trong khoảng 1 tháng đầu sau khi về nước (90,39%). Mặc dù vậy, phần lớn người lao động vẫn cho rằng khó khăn để tìm được việc làm, đặc biệt là những công việc có thể phát huy được kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài .

Thống kê cho thấy, chỉ một bộ phận nhỏ người lao động sau khi về nước tìm được việc làm đúng ngành nghề như ở nước ngoài, chiếm 9,38% trong số lao động có việc làm.

Nguyên nhân của vấn đề này tập trung vào các lý do như:  thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ việc làm. Với các  ngành nghề đỏi hỏi chuyên môn, tay nghề thì trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật thấp; thiếu vốn và kiến thức kinh doanh khiến người lao động không tìm được vị trí phù hợp.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, do lương xuất khẩu lao động khá cao, nên bản thân người lao động không xác định được vị trí của mình trong thị trường nội địa, dẫn đến kén chọn cùng với thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp- với các lao động đi làm công như giúp việc, phụ bếp, thợ phụ... đã khiến họ không ổn định được thời gian làm việc lâu dài, liên tục phải thay đổi việc hoặc chỗ làm...

Nghiên cứu “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng  đã trở về Việt Nam” do Ngân hàng thế giới tài trợ được thực hiện vào năm 2010 và năm 2011. Nghiên cứu dựa trên việc khảo sát 1.450 người đã đi xuất khẩu lao động tại bốn thị trường lớn là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mẫu khảo sát đều đã về nước trong giai đoạn 2004-2011.

Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng lao động xuất khẩu trở về Việt Nam nhằm phát hiện những mặt được và những tồn tại hạn chế của hoạt động xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, đề xuất các khuyến nghị chính sách xuất khẩu lao động để giảm thiểu các tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả các chương trình di cư ra nước ngoài trong giai đoạn tới.