Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo quyết định tăng cường hiện diện hải quân và các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen.
Phát biểu bên lề cuộc họp của Hội đồng Chính sách đối ngoại và Quốc phòng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng, Moscow coi hoạt động gia tăng của NATO là sự "tiêu cực rõ ràng".
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa liên quan đến hoạt động gia tăng của NATO ở Biển Đen. Chúng tôi sẽ theo dõi rất cẩn thận kế hoạch của liên minh này nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực này như thế nào và chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng".
Thứ trưởng Grushko cũng khẳng định, an ninh ở Biển Đen nên dựa trên sự hợp tác của các nước ven biển. "Tất cả các thành phần cần thiết cho việc này đều được đưa ra. Đó là Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen và - trong lĩnh vực quân sự - văn bản về các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đen", ông Grushko nói thêm.
Thứ trưởng Grushko hy vọng rằng Nhóm hợp tác hải quân Biển Đen, còn được gọi là BLACKSEAFOR, sẽ tiếp tục hoạt động. Chương trình hợp tác hải quân bao gồm 6 quốc gia ven biển: Bulgaria, Georgia, Nga, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Các hoạt động của nhóm đã kết thúc một cách hiệu quả sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và Nga đã đình chỉ việc tham gia sau khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ 1 máy bay quân sự Nga vào năm 2015.
Đầu tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối quân sự này đã đẩy mạnh sự hiện diện hải quân ở Biển Đen, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga không có mối đe dọa nào đối với các quốc gia khác, nhưng sẽ không bỏ qua các hành động gây nguy hiểm của Moscow đối với lợi ích của các thành viên NATO. Tổng thư ký Stoltenberg cho biết NATO cũng sẽ thực hiện một số chuyến thăm cảng, bao gồm cả những sự kiện ở Georgia và Ukraine, và kêu gọi Nga tôn trọng luật pháp quốc tế để làm cho vùng biển của Biển Đen trở nên an toàn hơn, theo báo cáo của CaucasusWatch.de.
Nga đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện quân sự của NATO gia tăng ở châu Âu. Điện Kremlin nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga không có mối đe dọa nào đối với các quốc gia khác, nhưng sẽ không bỏ qua các hành động gây nguy hiểm cho lợi ích của họ.