Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chia cổ tức hay không phản ánh bức tranh tài chính của doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các ngân hàng “trong cuộc” kêu ca về việc nếu siết cổ tức thì GPD Việt Nam sẽ giảm gần 70.000 tỷ đồng thì đại diện Tổng cục Thuế cho hay, việc chia cổ tức hay không cũng phản ánh bức tranh tài chính của DN và thu cổ tức cần được thực hiện theo luật.

Chia cổ tức hay không phản ánh bức tranh tài chính của doanh nghiệp - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ngày 15/6, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn cho biết, số thu từ cổ tức sau 5 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 13.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiệm vụ mà Quốc hội Quốc Hội giao dự toán thu cân đối Ngân sách nhà nước năm 2016 từ lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và số lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% là 55.000 tỷ đồng.
Tính ra, nguồn thu từ cổ tức chỉ mới đạt khoảng 25% so với dự toán. Lý giải về việc thu kém, ông Phụng cho rằng, nhiều công ty hiện mới trong giai đoạn "rục rịch" tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Bên cạnh đó một số dòng tiền không thể về ngân sách ngay.

Ông Phụng cũng khẳng định, lợi nhuận cổ tức không thể mất được vì hiện có nhiều cơ chế giám sát, đặc biệt là qua người đại diện phần vốn Nhà nước tại các nơi. Việc chia cổ tức hay không cũng liên quan tới bức tranh tài chính của DN đẹp hay không. Thu cổ tức cần được thực hiện theo luật và phụ thuộc vào Đại hội đồng cổ đông quyết định chia hay không và chia bao nhiêu.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ngân hàng của nước ta khiêm tốn về tài sản so với khu vực nên nhu cầu tăng vốn là có. Tuy nhiên, có nhiều cách để tăng vốn. Phát hành tăng vốn từ phần cổ tức giữ lại không phải là giải pháp căn cơ vì số vốn rất nhỏ, không đáng kể. Nếu ngân hàng thương mại cần tăng vốn thì có nhiều giải pháp mạnh hơn, như thoái bớt vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu chứ không phải bổ sung vốn một cách “nhỏ giọt” vì nguồn cổ tức giữ lại”.

Ở một diễn biến khác, các ngân hàng cũng đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm “thất hứa” cổ tức tiền mặt của mình. Báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, nếu siết 4.700 tỷ đồng cổ tức tiền mặt của BIDV, VietinBank sẽ khiến vốn tự có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước không tăng, dẫn đến dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 280.000 tỷ đồng, khiến GDP Việt Nam giảm ở mức 69,1 nghìn tỷ/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Đại diện BIDV cũng khẳng định,  ngân hàng này tuân thủ thủ đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng, đầy đủ trình tự phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức tại ĐHCĐ 2016. “Nếu ngân sách vẫn quyết đòi cổ tức trong bối cảnh các ngân hàng đang rất cần nguồn lực để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính thì chẳng khác nào "vắt chanh cho kiệt". Đến lúc nào đó các ngân hàng sẽ tê liệt, không hoàn thành được mục tiêu tái cơ cấu, không nâng cao được tiềm lực để tiếp tục đổi mới và phát triển, giảm khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế” - đại diện BIDV cho biết.

Theo thống kê của ông Trần Bắc Hà trong 5 năm 2011 - 2015, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã đóng góp đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước. Riêng BIDV đã nộp gần 14.000 tỷ đồng, bao gồm cả thuế thu nhập và cổ tức. Riêng trong năm 2015, ngành ngân hàng đóng góp khoảng 16.000 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng thu ngân sách và một nửa số này đến từ các nhà băng có vốn Nhà nước.