Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chia tay một tâm hồn Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ an lòng rằng ông đã chiến thắng được bạo bệnh ở chặng cuối của tuổi bát thập bằng mong mỏi sống và khát khao viết khi đôi chân liệt vì tai biến đã nhúc nhắc tập đi.

Thế nên khi nghe tin ông - nhà nghiên cứu Giang Quân, chia tay trần thế trong ngày đầu hạ này, tôi không sao quên được đôi mắt nhân từ ấy rưng rưng đỏ mà rằng: “Tôi tiếc lắm cô ạ, còn bao nhiêu thứ tôi chưa làm xong, chưa viết ra, bây giờ mà chết thì…”. 

Nhưng điều gì đến cũng đã đến, dù con cháu, bạn bè… đã cố gắng níu kéo lại cho Hà Nội một tâm hồn Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Giang Quân mất vào 10 giờ 30 phút ngày 12/4/2016, thọ 90 tuổi. Lễ viếng diễn ra từ 7 giờ 5 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 14/4 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 108, Hà Nội.

Hà Nội chẳng phải nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông, nhưng lại là nơi ông gắn bó trọn đời, cống hiến trọn vẹn trí tuệ và tâm huyết. Để rồi mảnh đất và con người nơi ấy không ngại ngần hay tiếc rẻ “nhận” và tôn vinh ông: “Công dân ưu tú Thủ đô”. Thực ra, Giang Quân chỉ là bút danh, ông tên thật là Nguyễn Hữu Thái, vốn quê gốc xứ Đông, nhưng từ thời trai trẻ, ông đã sống và làm việc tại Hà Nội. Chính cái chất hào sảng của miền quê Hải Dương hòa quyện với nét hào hoa thanh lịch của Thăng Long đã tạo nên một Giang Quân trầm tư và nhân văn cả trong đời thường lẫn trong những trang viết.

Ông “về với” Hà Nội từ thuở binh lính Pháp ngông nghênh lê giày đinh trên các con phố; từ thuở Khâm Thiên là nơi tá túc của những văn sĩ nghèo, những kẻ “khố rách áo ôm”, là phố Cô đầu chấp chứa những tệ nạn xã hội; thuở phố Tràng Tiền là một xã hội vỉa hè với những con người nghèo đói, lưu manh, nhân hậu sống ngay trên đường phố giàu sang bậc nhất đô thành.
Nhà nghiên cứu Giang Quân trong buổi giao lưu với báo Kinh tế & Đô thị năm 2014. 	Ảnh: Phạm Hùng
Nhà nghiên cứu Giang Quân trong buổi giao lưu với báo Kinh tế & Đô thị năm 2014. Ảnh: Phạm Hùng
Thời Hà Nội tạm chiếm, ông đã ở Khâm Thiên, bán báo dạo kiếm sống và viết báo trong sự kìm kẹp của giặc Pháp. Ngày Bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Thủ đô, ông cũng đứng rưng rưng bên Bờ Hồ mà “thấu” những niềm thương nỗi nhớ, ngóng trông chờ đợi của người Hà Nội. Đêm B52 dội xuống Hà Nội, ông cũng chui lên từ căn hầm giữa phố Khâm Thiên để chứng kiến hết tất thảy những đổ nát, bi thương.  Buổi thanh bình, ông lại là nhân chứng cho những thay da đổi thịt nơi con phố một thời “ổ chuột” bần hàn… Bút và giấy không kể hết những duyên nợ và ân tình của ông với mảnh đất ngàn năm. Để rồi cứ thế ông đặt bút viết, cảm xúc hiện hình trong những con chữ, miên man, hối thúc suốt mấy chục năm trời.

Từ năm 1966, ông đã là Hội viên sáng lập ra Chi hội Văn nghệ Hà Nội do nhà văn Tô Hoài làm Chủ tịch. Lúc nào ông cũng khiêm tốn tự nhận những tác phẩm của mình chỉ xếp ở loại “làng nhàng”. Thế nhưng, bạn trong giới viết lách của ông kể, từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều bài thơ tình của ông đã trở thành vật bất ly thân của những chàng trai Hà Nội bấy giờ. Ở bất cứ tác phẩm nào, ông cũng dốc hết tâm sức của mình vào đó, cộng với cách làm việc cẩn trọng, chính xác của một nhà nghiên cứu. Thế nên không chỉ bạn đọc trân trọng tác phẩm của ông, mà ngay cả giới làm nghiên cứu cũng tìm thấy ở đó những tư liệu quý, có tính chân xác cao. Ấy là “Từ điển đường phố Hà Nội”, là “Trò chơi dân gian Hà Nội”… Song có lẽ trong gia tài tác phẩm của ông, “Khâm Thiên gương mặt cuộc đời” là máu thịt cả đời cầm bút. Không thế làm sao ông có thể viết những dòng như ruột gan mình về con phố mà theo ông đã mang trên mình một biên niên đầy “hỉ, nộ, ai, lạc”. Chất nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo, nhà nghiên cứu đan cài hết trong đó, khiến cuốn sách như một tiểu thuyết – một vở kịch – một bút chép lịch sử với đủ những sự kiện, thân phận, mối tình và bóng hình tài tử văn nhân đất Hà thành.

Đi gần hết đời người, nhưng lần nào ghé chân đến căn nhà nhỏ giữa phố Khâm Thiên thăm ông, tôi cũng gặp ông đang ngồi bên bàn viết. Mưa gió của bệnh tật tuổi già có ghé đến, nhưng “cơn giông” đi qua, ông lại miệt mài ngồi vào bàn viết. Những năm tháng của tuổi “bát thập”, ông vẫn là cộng tác viên đắc lực của các nhà xuất bản, các tờ báo, trong đó có Kinh tế & Đô thị; tên ông luôn có mặt trên các ấn phẩm báo chí dưới các bút danh: Dân Quang, Giang Quân… trong những bài viết đẫm phong vị Hà Nội. Chất Hà Nội đã ngấm trong trái tim ông, để ông thật thà: “Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng tôi luôn tự hào mình là người Hà Nội”. Và ông đã ôm “cái nghiệp” bút nghiên ấy đi cùng Hà Nội cho đến hết kiếp người.